Tế bào T "sát thủ" - Hy vọng trong cuộc chiến chống các biến thể mới

Tế bào T "sát thủ"  - Hy vọng trong cuộc chiến chống các biến thể mới

Sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã gây lo ngại về tác động của chúng đối với sự hiệu quả của các vaccine cũng như làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố ngày 30/3 cho thấy tế bào T "sát thủ", một nhân tố chính trong hệ miễn dịch, gần như không "hề hấn" gì trước những biến thể mới này.

Tế bào T "sát thủ"  - Hy vọng trong cuộc chiến chống các biến thể mới ảnh 1Hình ảnh minh họa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin tích cực này cho thấy dù không phải là "đội quân phòng thủ tuyến đầu" ngăn ngừa sự nhiễm bệnh, song tế bào bạch cầu này có thể giúp ngăn bệnh diễn biến nặng hơn.

Trong cơ thể người, ngoài kháng thể, hệ miễn dịch còn sản sinh ra nhiều tế bào T có thể tấn công virus. Một số loại tế bào T được gọi là tế bào T "sát thủ" (tế bào CD8+ T), có khả năng truy tìm và phát hiện các tế bào nhiễm virus. Một số tế bào khác được gọi là tế bào "hỗ trợ" T (tế bào CD4+ T) rất quan trọng với các chức năng miễn dịch, trong đó có chức năng kích thích sản xuất kháng thể và tế bào "sát thủ" T.

Trong nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Đại học Oxford, các nhà khoa học thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ và Đại học Johns Hopkins đã phân tích mẫu máu của 30 bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục trước khi xuất hiện các biến thể. Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu khả năng những tế bào T "sát thủ" này có thể nhận ra 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vốn được phát hiện đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil. Các nhà khoa học đã phát hiện các tế bào "sát thủ" T phần lớn không bị ảnh hưởng khi cơ thể mắc virus SARS-CoV-2, trái lại chúng có thể nhận ra hầu hết các đột biến của các biến thể được nghiên cứu. Họ lưu ý rằng cần tiến hành các nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác nhận kết quả trên.

Theo các nhà nghiên cứu, điều khiến những biến thể này có những nét đặc trưng riêng chính là những biến đổi của chúng, đặc biệt tại vùng protein gai trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, giúp virus xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người. Những đột biến ở vùng protein gai này cũng giúp một số biến thể trở nên khó nhận biết hơn đối với các kháng thể trung hòa - các protein chống lây nhiễm do các tế bào B của hệ miễn dịch sản sinh. Mặc dù không ngăn chặn lây nhiễm virus vì chỉ "hành động" sau khi virus đã xâm nhập cơ thể, song tế bào T lại có vai trò quan trọng trong việc "xử lý" tình trạng lây nhiễm đã bắt đầu trong cơ thể. Đặc biệt, tế bào T "sát thủ" có khả năng tìm kiếm các dấu hiệu nhận biết của các tế bào đã bị nhiễm bệnh và tiêu diệt những tế bào này.

Các kháng thể đều đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa nhiễm virus ngay từ đầu. Tuy nhiên, việc tế bào T "sát thủ" được hệ miễn dịch kích hoạt sau khi virus xâm nhập vào cơ thể và hỗ trợ đẩy lùi bệnh giúp lý giải vì sao các vaccine dường như có thể ngăn ngừa bệnh tình diễn biến nặng thêm dù hiệu quả của các chế phẩm này suy giảm trong việc ngăn ngừa lây nhiễm các biến thể mới.

Phương Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm