Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Thúc, hiện ngành chăn nuôi của tỉnh đang khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung vaccine cho trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm để phòng bệnh, đặc biệt là bệnh tai xanh ở lợn và viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Theo đó, ngành chuyên môn sẽ hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; triển khai tổng vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh, nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh xâm nhập vào chuồng trại chăn nuôi.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đã phát hiện gần 11.000 con bò của trên 5.300 hộ chăn nuôi tại 92 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, có gần 1.800 con bò chết, đã được tiêu huỷ theo quy định, với tổng trọng lượng trên 232 tấn.
Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi toàn tỉnh đã phát hiện trên 110 hộ chăn nuôi, thuộc 15 xã (thuộc các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và thị xã Hoà Thành), với số lợn chết đã tiêu huỷ theo quy định gần 1.400 con, có tổng trọng lượng trên 91 tấn.
Theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên đàn gia súc có hiệu quả; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Riêng các huyện, thị xã khu vực biên giới sẽ tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm tươi sống từ động vật trái phép qua biên giới.
Trong khi đó, tại tỉnh Yên Bái đang thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm biến động mạnh làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm vì vậy các dịch bệnh nguy hiểm trên đang gia súc, gia cầm dễ phát sinh và lây lan mạnh.
Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, chi cục đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tới người chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm.
Cùng với đó, chi cục còn chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan để phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, yêu cầu người chăn nuôi và chính quyền các địa phương khi phát hiện vật nuôi ốm, chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý thích hợp, không để dịch bệnh lây lan diện rộng...
Ông Vũ Xuân Đao ở thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là một trong những hộ có truyền thống chăn nuôi lợn chia sẻ, hàng năm vào lúc giao mùa gia đình ông đều được cán bộ thú y tận tình đến tư vấn cho gia đình chủ động phòng chống dịch cho đàn lợn với các bệnh thường gặp như: lở mồm long móng, tai xanh, bệnh dịch tả lợn châu Phi... nên gia đình ông luôn chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tỉnh Yên Bái có tổng đàn gia súc chính 700.600 con; trong đó, đàn trâu 98.389 con, bò 34.068 con, lợn 568.143 con; tổng đàn gia cầm đạt trên 6,1 triệu con. Đến thời điểm này, dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên một số bệnh dịch trên gia súc gia cầm như: bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; cúm gia cầm hay bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò... vẫn còn xảy ra nhỏ lẻ nhưng đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp cơ quan chức năng các địa phương ngăn chặn kịp thời.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã cấp trên 3.000 lít thuốc sát trùng phun tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh; các huyện, thị xã, thành phố đã tiêm được 28.556 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò và tiêm được trên 256.000 liều vaccine các loại cho vật nuôi. Đồng thời, chi cục đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất, cung ứng đầy đủ và sẵn sàng trong phòng, chống dịch; kịp thời ngăn chặn, xử lý ổ bệnh động vật phát sinh; kịp thời đề xuất các giải pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả.
Phạm Thanh Tân - Đức Tưởng