Tây Ninh sẽ hoàn thành gần 30 công trình lưới điện trong năm 2024

Theo Công ty Điện lực Tây Ninh, mục tiêu năm 2024, Tây Ninh sẽ tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành 5 công trình lưới điện 110kV; 24 công trình lưới điện và thực hiện đạt trên 100% kế hoạch vốn (trên 451 tỷ đồng).

vna_potal_lai_chau_hon_100_ho_dan_o_huyen_bien_gioi_nam_nhun_co_dien_luoi_quoc_gia_6651531.jpg
Công nhân quản lý vận hành Điện lực đấu nối từ đường điện lưới Quốc gia . Ảnh: Quý Trung – TXVN

Đồng thời, tỉnh cũng hoàn tất 20 công trình sửa chữa lớn, ước thực hiện đạt trên 95% kế hoạch vốn (gần 32 tỷ đồng)... để đảm bảo cung cấp điện đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân.Ông Đỗ Anh Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu giảm sản lượng, đã tác động trực tiếp đến hoạt động của ngành điện lực. Cụ thể, trong các tháng đầu năm 2023, sản lượng điện thương phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ, nguyên nhân do các doanh nghiệp ngưng hoạt động và hoạt động cầm chừng.

Những tháng cuối năm 2023 sản lượng điện thương phẩm của tỉnh đã phục hồi. Công tác đầu tư xây dựng thực hiện đạt kế hoạch đề ra và làm theo quy định hướng dẫn. Đặc biệt, đơn vị cũng đã hoàn tất xây dựng kế hoạch cung cấp điện, phương án cung cấp điện ứng phó với trường hợp mất cân đối cung cầu, phương án về việc kết lưới vận hành lưới điện 22kV trong năm 2023.

Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Ban Quản lý Dự án Công ty Điện lực Tây Ninh, năm 2023, Công ty được giao kế hoạch triển khai 14 công trình sửa chữa lớn với giá trị kế hoạch là gần 21 tỷ đồng. Công ty đã triển khai hoàn tất 14/14 công trình, với giá trị hạch toán trên 20 tỷ đồng, đạt 99,2% so với kế hoạch. Đã hoàn tất phê duyệt quyết toán 14/14 công trình lưới điện gồm 3 công trình 110kV, 10 công trình 22kV, 1 công trình thiết bị.

Để đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn năm 2024, Công ty Điện lực Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị điều hành lưới điện với mục tiêu: đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn và các hoạt động văn hóa xã hội tại địa phương; không thực hiện điều hòa, tiết giảm phụ tải. Đồng thời, công ty đã thực hiện theo dõi, đánh giá nguyên nhân đầy tải và đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo lưới điện không vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải dài hạn.

Đối với kế hoạch năm 2024, công ty đã hoàn tất thủ tục, các công trình đang triển khai lựa chọn nhà thầu xây lắp. Riêng công tác đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, Công ty đã được giao vốn đầu tư xây dựng năm 2023 với giá trị trên 350 tỷ đồng; trong đó, có sử dụng vốn vay 261 tỷ đồng cho 41 công trình. Gồm 5 công trình lưới điện 110kV đã phê duyệt quyết toán 2 công trình và đang thi công 3 công trình; 33 công trình lưới điện trung hạ áp đã nghiệm thu 31 công trình và đang thi công 2 công trình; 10 công trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công năm 2024 đã phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.

Ông Nguyễn Thành Trung nhận định: Nhờ việc đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn hoàn thành đúng tiến độ đã giúp đảm bảo cung cấp điện được an toàn, liên tục, nâng cao chất lượng điện áp, không còn tình trạng điện áp yếu ở khu vực cuối nguồn… đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội của địa phương cũng như sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, công tác quản lý vận hành lưới điện đã giúp giảm sự cố về điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Sau khi công trình đưa vào vận hành điện kế khách hàng được di dời về gần nhà không còn hiện tượng kéo dây chằng chịt, vừa giúp đảm bảo an toàn trong sử dụng, vừa tạo mỹ quan, thông thoáng.

Để đảm bảo các công trình thời gian tới hoàn thành kịp tiến độ theo kế hoạch, ông Nguyễn Thành Trung cho hay, sẽ siết chặt kiểm soát tiến độ, chất lượng và chi phí từ khâu chuẩn bị đầu tư đến quyết toán công trình. Mặt khác, đơn vị cũng thực hiện kiểm soát nhập liệu đầy đủ các số liệu vào phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS. Từ đó, thực hiện triển khai quản lý, theo dõi dự án trên chương trình nhằm nâng cao khả năng quản lý, cũng như theo dõi được chặt chẽ quá trình thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tổng tiến độ của dự án, bám sát, đôn đốc tiến độ, chất lượng công tác khảo sát thiết kế, cung cấp vật tư, thi công…

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh cho biết: Để đảm cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, kế hoạch trong năm 2024 ngành điện lực sẽ dồn lực, tập trung nắm bắt và chỉ đạo quyết liệt trong công tác quy hoạch lưới điện để đồng bộ với quy hoạch tỉnh và quy hoạch Điện VIII của Chính phủ, nhất là các dự án 110 kV. Đồng thời, ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, hiện đại hóa lưới điện.

Ông Nguyễn Tấn Hùng cũng nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của năm 2024 vẫn là đảm bảo cung cấp điện đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn. Không để xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên, không để xảy ra khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống, đồng thời phát triển ngành điện bền vững, hiệu quả, minh bạch.

Nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện và dịch vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Đồng thời, giảm tai nạn điện trong dân; không để xảy ra cháy, nổ trong công ty. Cùng đó, hoàn thành đúng tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình trọng điểm; các công trình nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện, các công trình chống quá tải.

Đặc biệt, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an toàn hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin, an toàn hệ thống dữ liệu trong môi trường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng, tài chính.

Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm