Nghệ An đưa điện lưới quốc gia về các bản biên giới khó khăn

Nghệ An đưa điện lưới quốc gia về các bản biên giới khó khăn

Nằm cách trung tâm thành phố Vinh gần 300 km, Keng Đu là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đồng bào nơi đây chủ yếu là dân tộc Khơ Mú, kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn nuôi nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn.

Nghệ An đưa điện lưới quốc gia về các bản biên giới khó khăn ảnh 1Trường tiểu học Keng Đu 2, huyện Kỳ Sơn, triển khai giảng dạy theo chương trình giáo dục mới với sự hỗ trợ của ti vi, máy chiếu. Ảnh: Văn Tý-TTXN

Cuối tháng 10/2023, người dân Keng Đu vui sướng khi điện lưới quốc gia về với bản làng. Không chỉ đơn thuần dùng để thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, có điện người dân đã có cơ hội mở rộng sản xuất, áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống.

Anh Moong Văn Phơi, bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn cho biết, trước đây không có điện lưới quốc gia, người dân trong bản không có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh nên đói nghèo đeo bám mãi. Bản thân gia đình anh có trang trại nuôi lợn nhỏ, nhưng không chủ động được nguồn thức ăn nên chủ yếu thả rong, lợn chậm lớn hiệu quả kinh tế không cao. Bây giờ có điện rồi, gia đình đã mua thêm máy chế biến thức ăn, nhờ đó chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi nên chuyển sang nuôi tập trung. Sắp tới gia đình cũng sẽ mở rộng diện tích, quy mô đàn.

Từ khi có ánh sáng điện lưới, các bản làng xã Keng Đu đã có nhiều đổi thay, vui hơn, rộn ràng hơn. Buổi tối, sau một ngày làm việc, người dân trong bản lại rủ nhau đến những gia đình có tivi để cùng xem. Nhà nhà đầy ắp tiếng nói cười, tình đoàn kết bản làng qua đó càng thắt chặt thêm. Vui nhất vẫn là các em nhỏ, bởi điều kiện học tập các các em đã nâng lên nhiều so với trước đây.

Thầy Nguyễn Đức Quang, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Keng Đu 2, huyện Kỳ Sơn cho biết, trước đây chưa có điện nhà trường không thể triển khai chương trình giảng dạy với sự hỗ trợ của ti vi, máy chiếu theo chương trình giáo dục mới. Từ khi có điện, việc giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh diễn ra suôn sẻ hơn. Ở lớp với sự hỗ trợ tivi, máy chiếu các em hứng thú và tham gia tích cực vào các tiết học, ở nhà các em có nhiều thời gian để học vào buổi tối, chất lượng học tập cũng được nâng lên.

Nghệ An đưa điện lưới quốc gia về các bản biên giới khó khăn ảnh 2Một trong những khó khăn nhất của đơn vị thi công và ngành điện khi đưa điện lưới đến các bản làng giáp tuyến biên giới là địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, thường xuyên xảy ra mưa, sương mù. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Ông Lương Văn Thong, Phó Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn cho biết, toàn xã có đến 80% hộ nghèo, trước đây, không có điện lưới quốc gia, nhiều gia đình đã chủ động dùng điện tua bin nhỏ hoặc điện mặt trời, công suất nhỏ nên chỉ dùng để thắp sáng, không thể dùng trong sản xuất. Vừa qua, 6 bản cuối cùng của xã gồm Quyết Thắng, Huồi Tông, Khe Linh, Keng Đu, Hạt Tà Vén và Huồi Xui đã được kéo điện, nhân dân rất vui mừng và phấn khởi.

Ông Lương Văn Thong hi vọng thời gian tới kinh tế của xã Keng Đu sẽ phát triển, an ninh, quốc phòng sẽ tiếp tục được giữ vững.

Một trong những khó khăn nhất của đơn vị thi công và ngành điện khi đưa điện lưới đến các bản làng giáp tuyến biên giới là địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, thường xuyên xảy ra mưa, sương mù. Bên cạnh đó, đồng bào sống rải rác không tập trung nên phải kéo đường dây quá xa dẫn đến quá trình và thời gian thi công gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng phòng Hạ tầng huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết, Kỳ Sơn là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước, đầu năm 2021, toàn huyện vẫn còn đến 82 bản chưa có điện lưới quốc gia. Không có điện, người dân không thể ứng dụng các máy móc vào sản xuất đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thời gian qua, Tổng công ty điện lực miền Bắc đã giành hơn 100 tỷ đồng, đưa điện đến hầu hết các thôn bản. Qua đó, giúp đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Hiện nay toàn huyện vẫn còn 15 bản và 4 khu tái định cư chưa có điện. Vừa qua, thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện đã được bố trí hơn 92 tỷ đồng, dự kiến năm 2024 sẽ triển khai.

Ông Đặng Thành Vinh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Nghệ An cho biết, Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Nghệ An được Bộ Công Thương phê duyệt với tổng nguồn vốn hơn 782 tỷ đồng. Theo đó, dự án sẽ xây dựng mới hơn 680 km đường dây trung thế 35 kV; hơn 415 km đường dây 0,4 kV; 203 tram biến áp và lắp đặt công tơ cho trên 18.000 hộ dân thuộc 233 thôn, bản, 54 xã của 8 huyện. Riêng giai đoạn 2022-2023, đơn vị thực hiện cấp điện cho trên 7.200 hộ dân thuộc 96 thôn bản, 28 xã.

Theo ông Vinh, quá trình triển khai, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, từ thủ tục triển khai đến thi công. Đặc biệt là giải phóng mặt bằng, đòi hỏi quy trình thủ tục phức tạp, kéo dài như chờ họp thông qua danh mục các công trình, dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác; lập phương án trồng rừng thay thế…

Để giải quyết vấn đề này, Công ty Điện lực Nghệ An đã chủ động đề xuất với UBND tỉnh cho phép vừa thi công vừa làm giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, đơn vị đã đảm bảo được tiến độ, hiện đơn vị đang phấn đấu đến đầu tháng 2/2024 sẽ đóng điện 4 trạm biến áp cuối cùng của dự án để cấp điện cho nhân dân trên địa bàn xã Tri Lễ huyện Quế Phong vui Tết Nguyên đán.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm