Điện Biên ưu tiên xóa bản "trắng" điện lưới

Điện Biên ưu tiên xóa bản "trắng" điện lưới

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Tây Bắc của Tổ quốc. Nhiều dự án đưa lưới điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới đã được chính quyền địa phương và Điện lực tỉnh Điện Biên thực hiện. Lưới điện nông thôn ngày càng mở rộng, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống vật chất cũng như văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc; góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Điện Biên ưu tiên xóa bản "trắng" điện lưới ảnh 1Công nhân Điện lực Mường Chà (tỉnh Điện Biên) rửa sứ hotline. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Cuối năm 2022, người dân sống tại hai bản Hô Củng và Huổi Anh, những bản vùng sâu, vùng xa của xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ lần đầu tiên được đón dòng điện về bản sau gần 7 thập kỷ. Những nếp nhà của hơn 170 hộ dân nơi đây đã bừng sáng trong ánh điện. Từ khi có điện lưới quốc gia về bản, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Có điện, người dân được tiếp cận với văn hóa, thông tin, học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt rõ được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước.

Anh Giàng A Lử, Trưởng bản Hô Củng phấn khởi chia sẻ, bà con trong bản đều mong chờ có ánh điện sáng để phục vụ sản xuất cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đến cuối năm 2022, bản Hô Củng mới được đón lưới điện với sự hào hứng, phấn khởi của tất cả bà con trong bản. Từ nay, con em trong bản không phải học dưới ánh đèn dầu.

Điện Biên ưu tiên xóa bản "trắng" điện lưới ảnh 2Công nhân Điện lực Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) kiểm tra lưới điện. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
 

Theo ông Lường Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Tở cho biết, việc đưa điện lưới quốc gia về bản Hô Củng và Huổi Anh, những địa bàn đặc biệt khó khăn của xã Chà Tở thể hiện rõ những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương và ngành điện. Trước đây xã Chà Tở chỉ có một trạm biến áp cấp điện cho trung tâm xã và các hộ xung quanh. Đến tháng 10/2023, xã đã có 90% dân được sử dụng điện lưới quốc gia, từ đó đời sống của bà con nhân dân được nâng cao, góp phần thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo trong toàn xã.

Huyện Nậm Pồ thành lập năm 2013. Lúc mới thành lập, toàn huyện chỉ có 55/121 thôn, bản có điện; 8/15 xã có điện. Trong 10 năm qua, nhiều dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Đến tháng 10/2023, toàn huyện đã có 100/121 thôn, bản có điện; 15/15 xã có điện đến trung tâm xã. Lưới điện ngày càng được phát triển mở rộng, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc ở địa phương, xóa đói giảm nghèo và tạo tiền đề cho việc thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Hạng Nhè Ly cho biết, hiện toàn huyện còn 21 thôn, bản chưa có điện. Huyện Nậm Pồ sẽ nỗ lực cùng ngành điện để xóa hết bản trắng điện lưới, giúp bà con phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Điện Biên ưu tiên xóa bản "trắng" điện lưới ảnh 3Công nhân Điện lực Mường Chà (tỉnh Điện Biên) đóng điện tại bản Hô Củng, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ . Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Điện Biên Đông cũng là một trong những huyện nghèo của cả nước. Huyện được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Điện Biên đến nay gần 20 năm. Khi mới thành lập, hệ thống lưới điện chỉ mới phục vụ khu vực trung tâm huyện lỵ và một số xã lân cận. Trong quá trình phát triển, hệ thống lưới điện dần được đưa về các xã, bản vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2021, huyện Ðiện Biên Đông đã ưu tiên các nguồn vốn để triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, với tổng mức đầu tư lên tới gần 88 tỷ đồng, số trạm biến áp mới được lắp đặt là 25 trạm, xóa được 25 bản trắng về điện, cấp điện mới cho hơn 1.300 hộ dân. Đến nay, tất cả 14/14 xã trong huyện đều có điện lưới quốc gia. Toàn huyện hiện còn hơn 20 bản chưa có điện.

Ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết, việc đưa điện lưới quốc gia về các xã, bản đã giải quyết được các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thay đổi toàn diện bộ mặt địa phương, đặc biệt là việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như thông tin tuyên truyền. Chính quyền huyện cũng xác định từ nay đến hết năm 2025, tập trung các nguồn lực phối hợp với ngành điện để giải quyết hoàn toàn các bản chưa có điện. Mục tiêu của Điện Biên Đông xác định xóa bản trắng về điện là ưu tiên số 1.

Điện Biên ưu tiên xóa bản "trắng" điện lưới ảnh 4Công nhân Điện lực Mường Chà (tỉnh Điện Biên) hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Đưa điện về bản ở nơi có địa hình hiểm trở ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên là một trong những khó khăn, thách thức của chính quyền địa phương cũng như ngành điện. Khó vì cần nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách tỉnh rất eo hẹp, việc thi công kéo điện ở miền núi, địa hình phức tạp đòi hỏi chi phí lớn, bà con lại sinh sống rải rác trên địa bàn rộng. Mặc dù vậy, những năm qua, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và Công ty Điện lực Điện Biên đã nỗ lực đưa lưới điện về tận những thôn, bản khó khăn nhất. Từ đó, những ngôi nhà mới nhanh chóng được xây dựng thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp trên những sườn đồi.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên Nguyễn Thế Hùng, cho biết, tính đến hết tháng 9/2023, số hộ dân trong tỉnh Điện Biên được dùng điện lưới quốc gia gần 130.000/139.000 hộ, đạt tỷ lệ 93%; trong đó khu vực nông thôn hơn 103.000 hộ có điện, đạt tỷ lệ 91,37%. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên vẫn còn gần 200 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, đây là những vùng đặc biệt khó khăn; hơn 10.000 hộ dân chưa được sử dụng điện. Công ty Điện lực Điện Biên đang nỗ lực cùng với chính quyền địa phương và các ban, ngành, tổ chức xã hội đưa điện đến các điểm bản vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân, giúp bà con nâng cao đời sống tinh thần và phát triển kinh tế của địa phương.

Hiện tỉnh Điện Biên đang triển khai Dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2021-2025, với quy mô dự án xây dựng hệ thống lưới điện cấp điện cho hơn 9.000 hộ dân thuộc 181 thôn, bản trên địa bàn 8 huyện (Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà và Nậm Pồ) bao gồm: Xây dựng mới 570 km đường dây trung áp; 175 trạm biến áp (với tổng công suất 9.435 kVA); 264 km đường dây hạ áp. Những nỗ lực của ngành điện và cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp cho hàng nghìn hộ dân vùng sâu, vùng xa, biên giới tỉnh Điện Biên có điện thắp sáng, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Xuân Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm