Lính truyền tải căng mình "gánh gồng" lưới điện vùng Tây Bắc

Điện lực Mường Tè, thuộc Công ty Điện lực Lai Châu đóng điện Trạm biến áp 31,5 kVA và cấp điện cho 51/58 hộ dân thuộc bản Nhóm Bố, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè. Ảnh: TTXVN phát
Điện lực Mường Tè, thuộc Công ty Điện lực Lai Châu đóng điện Trạm biến áp 31,5 kVA và cấp điện cho 51/58 hộ dân thuộc bản Nhóm Bố, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè. Ảnh: TTXVN phát

Chỉ với chục người, nhưng những đội truyền tải điện vùng Tây Bắc phải quản lý và đảm bảo an toàn điện cho cả trăm vị trí cột điện, hàng trăm kilômet đường dây, chủ yếu nằm ở vùng núi cao, hiểm trở. Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, lên tuyến dây mà việc tiếp cận với người dân nơi đây để tuyên truyền về an toàn lưới điện cũng gặp nhiều trở ngại.

Lính truyền tải căng mình "gánh gồng" lưới điện vùng Tây Bắc ảnh 1Công nhân Điện lực Tân Uyên (Lai Châu) thay máy biến áp phục vụ chống quá tải. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

"Đặc sản" của lính truyền tải

Để đến huyện vùng cao biên giới Mường Tè, phía Tây Bắc tỉnh Lai Châu, chúng tôi phải mất cả ngày, trải qua hơn 500 km đi ô tô từ Hà Nội. Đường núi quanh co, nhiều khúc cua tay áo khiến cho chuyến đi trở nên dài hơn sự mường tượng của tôi. Sau những trận mưa lớn xảy ra vào hồi tháng 8, 9 vừa qua, nhiều cung đoạn bị sạt lở và trơn trượt. Gần 20 giờ tối, chúng tôi mới có mặt tại huyện Mường Tè và gặp gỡ Đội truyền tải điện Mường Tè – thuộc Truyền tải Điện Tây Bắc 2 (Công ty Truyền tải điện 1).

Đón chúng tôi tại căn nhà trọ của toàn đội truyền tải, anh Nguyễn Huy Hoàng, Tổ trưởng tổ truyền tải điện Mường Tè phấn khởi: "Lâu lắm rồi mới có anh em dưới xuôi lên trên này công tác. Mời đoàn xơi bữa cơm tối cùng đội, rồi mai ta lên đường sớm, đi "ăn" đặc sản của lính truyền tải điện vùng núi".

Hạ tầng giao thông có lẽ là một trong những trở ngại lớn nhất của những người thợ điện nơi đây. Tổ của Hoàng chỉ với 4 người công nhân, nhưng phải quản lý 67 vị trí cột với chiều dài đường dây gần 37 km, đều nằm trên các đỉnh núi cao. Sớm hôm sau, Hoàng dẫn chúng tôi lên vị trí 45 tuyến 220 kV Mường Tè – Lai Châu, cách nơi "đóng quân" của đội khoảng 30 km. Đây được coi là điểm đến khá dễ dàng để những người mới như chúng tôi tiếp cận ghi hình, nhưng cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ trải qua những khoảng núi trơn trượt, một bên là dốc đứng, một bên là vực để lên tới chân cột. Trong khi chúng tôi ngồi nghỉ lại sức, tổ của Hoàng tiếp tục xử lý, gia cố móng cột nhằm giữ an toàn, chống sạt lở trong mùa mưa bão sắp tới, phát quang các cành cây cao gần hành lang trên tuyến.

Chia sẻ với chúng tôi, tổ trưởng Nguyễn Huy Hoàng cho biết, đây là công việc thường ngày. Tổ được chia thành nhóm 2 người, đi kiểm tra và xử lý các tồn tại nếu có. Nếu thuận lợi thì một ngày có thể làm được 2-3 vị trí, còn vị trí cột bị sạt lở nhiều thì anh em phải xử lý cả buổi. Ngoài kiểm tra ban ngày thì mỗi quý trong năm sẽ phải kiểm tra toàn tuyến vào ban đêm để soi phát nhiệt trên đường dây, thiết bị.

Từ vị trí cột, chúng tôi tiếp tục di chuyển để vào Trạm biến áp 220 kV Mường Tè – Lai Châu, nơi tiếp nhận các nguồn thủy điện nhỏ để đưa lên lưới quốc gia. Từ thị trấn Mường Tè vào đến trạm chỉ mất hơn 10km đường bộ, nhưng cả cung đường đều là những vũng bùn, sình lầy; nhiều vị trí bị sạt do những trận mưa hồi tháng 8, 9 trước đó nay vẫn còn dấu vết để lại.

Anh Phạm Văn Liệu, trực trạm biến áp 220 kV Mường Tè - Lai Châu cho biết, đường đi lại ở đây rất khó khăn, vào những ngày mưa lớn nhiều đoạn bùn ngập đến đùi, anh em công nhân phải khiêng xe máy lội bùn để đi qua. Đặc biệt vào mùa mưa bão, sạt lở từ hai bên núi khiến đường lên trạm bị tê liệt trong nhiều ngày. Vì vậy, nếu không có việc gì cần kíp, công nhân đều ăn ngủ, sinh hoạt trong trạm.

Truyền tải điện Tây Bắc 2 được đánh giá là đơn vị truyền tải điện có địa bàn rộng nhất, trên địa hình nhiều núi cao, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất, gắn với nhiều dân tộc thiểu số nhất và đặc biệt ít có lực lượng lao động địa phương nhất so với tất cả các đơn vị trong Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT).

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc 2, toàn đơn vị đang quản lý vận hành gần 500 km đường dây 220 kV và hơn 810 km đường dây 500 kV, 6 trạm biến áp... Địa bàn quản lý trải rộng khắp bốn tỉnh khu vực Tây Bắc: Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Các đường dây đều đi qua địa hình phức tạp, rừng sâu, núi cao, dễ bị sạt lở. Đây là khó khăn lớn, nhưng anh em công nhân đều nỗ lực hết mình để đảm bảo giữ vững lưới điện, không để xảy ra sự cố.

Lính truyền tải căng mình "gánh gồng" lưới điện vùng Tây Bắc ảnh 2Điện lực Mường Tè, thuộc Công ty Điện lực Lai Châu đóng điện Trạm biến áp 31,5 kVA và cấp điện cho 51/58 hộ dân thuộc bản Nhóm Bố, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè. Ảnh: TTXVN phát

"Sợi dây" kết nối với dân bản

Không chỉ hạn chế về địa hình, giao thông mà ngay việc tiếp cận với người dân nơi đây cũng gặp nhiều trở ngại. Theo anh Nguyễn Trung Cương, đội trưởng đội truyền tải điện Mường La – Sơn La, đơn vị đang quản lý gần 200 km đường dây 500 kV và hơn 150 km đường dây 220 kV, hầu hết người dân nơi đây đều là dân tộc thiểu số nên việc trao đổi, tuyên truyền an toàn hành lang lưới điện gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ và phong tục tập quán.

"Nhiều trường hợp chúng tôi muốn gặp gỡ người dân, tuyên truyền để họ chặt cây vi phạm hành lang an toàn lưới điện nhưng đều không thể", anh Cương nói và cho biết thêm, nhưng chỉ cần công nhân điện là người dân tộc vào tuyên truyền thì mọi việc đều rất thuận lợi.

Theo chân anh Lường Văn Thủy, người dân tộc Thái, thuộc đội truyền tải Mường La – Sơn La vào tiếp cận và tuyên truyền cho đồng bào về an toàn hành lang lưới điện, chúng tôi tiếp tục bất ngờ khi được sự chào đón nồng nhiệt từ những người dân tộc Thái nơi đây. Anh Thủy chia sẻ, cùng là người dân tộc, nên mình có thể nói được ngôn ngữ và hiểu về phong tục của đồng bào, từ đó thuận lợi hơn các anh em khác trong cùng đơn vị.

Tại Truyền tải điện Mường La, hiện mới chỉ có 4/22 công nhân là người các dân tộc Thái, Mông, Dao. Họ được xem như những sợi dây kết nối giữa ngành điện và người dân tộc bản địa, từ việc tuyên truyền an toàn sử dụng điện, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, không đốt nương rẫy ảnh hưởng lưới điện, và đặc biệt là phối hợp với ngành điện.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc 2 cho hay: "Những công nhân truyền tải là người đồng bào dân tộc có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận để tuyên truyền và kết nối với người dân vùng Tây Bắc. Có họ, công việc nơi đây đã bớt đi nhiều gian khó, lính truyền tải cũng được người dân hiểu, cảm thông và chia sẻ nhiều hơn".

Lính truyền tải căng mình "gánh gồng" lưới điện vùng Tây Bắc ảnh 3Cán bộ điện lực huyện Mường La xử lý sự cố cây đổ vào đường dây điện 0,4kV. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Luôn trong tâm thế sẵn sàng

Các đường dây và trạm biến áp do Truyền tải điện Tây Bắc 2 quản lý có vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải điện năng của hai nhà máy thủy điện lớn Sơn La, Lai Châu và các nhà máy thủy điện khác ở khu vực Tây Bắc để đưa lên lưới điện quốc gia. Do đó, việc đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định các đường dây và trạm biến áp tại khu vực này luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc 2, trước mùa mưa bão, đơn vị luôn phải tăng cường kiểm tra đường dây và trạm biến áp. Các trạm biến áp chủ động thực hiện khơi thông hệ thống thoát nước quanh trạm, thực hiện chằng néo, tủ bảng thiết bị, mái tôn nhà thiết bị, phòng điều khiển đảm bảo an toàn chuẩn bị vật tư dự phòng đầy đủ. Các đội truyền tải điện đã thực hiện kiểm tra rà soát hành lang tuyến, các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở để xử lý khiếm khuyết.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống gần tuyến đường dây, trạm biến áp thực hiện chằng néo các công trình (mái tôn, nhà lưới, nhà lồng trồng hoa màu...), chặt tỉa cây cao trong và gần hành lang tránh gió lốc bay vật lạ vướng vào công trình điện.

Hệ thống truyền tải điện đi qua những địa hình phức tạp, từ vùng núi cao đến những vùng có nguy cơ ngập lụt khi mưa bão, nên việc sẵn sàng ứng phó, xử lý sự cố là hoạt động được ưu tiên của các đơn vị truyền tải điện nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng. Đối với PTC1 đặc thù lưới truyền tải miền núi nhiều, sau khi bão đi qua, hoàn lưu bão thường gây mưa lớn và lũ quét. Theo Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) Hoàng Xuân Khôi, để ứng phó, PTC1 xác định rõ các rủi ro cụ thể có thể gây ra cho lưới truyền tải điện là vấn đề cột bị lún, sạt lở. Theo đó, đơn vị kiểm tra đánh giá lại các vị trí đã bị sạt trượt trên tuyến đường dây hiện nay để chằng néo, gia cố…

Ngoài ra, PTC1 thực hiện khơi thông hệ thống thoát nước, đào rãnh thoát nước mới để lái dòng chảy không để dòng chảy hướng vào móng cột và các vị trí đã bị sạt lở, đặc biệt các vị trí nằm trên sườn núi cao và nằm trên taluy dốc đứng.

Ngay sau các đợt mưa, bão, lũ dứt, các đơn vị chỉ đạo kiểm tra ngay các vị trí móng cột có nguy cơ sạt trượt, xung yếu, ngập úng, các vị trí cây cao nguy hiểm, vật bay… để kịp thời phát hiện, xử lý sẵn sàng chuẩn bị cho các đợt mưa, bão, lũ tiếp theo. Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo tuyệt đối an toàn người và tài sản, song song vừa cung cấp điện nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ công nhân viên, ông Hoàng Xuân Khôi cho hay.

Đức Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm