Thu hoạch càphê ở Đắk Lắk. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Theo đó, các giống cà phê vối mới này đều cho năng suất từ 4,3 đến hơn 7 tấn cà phê nhân/ha, kích cỡ nhân lớn đạt loại 1 trên 65%, tăng so với giống đại trà lâu nay là 25,4%. Đặc biệt, có 6 giống cà phê vối TR9, TR11, TR12, TR13, TR14, TR15 có thời gian chín muộn để chuyển dần thời gian cho thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 2) nên rất thuận lợi cho việc thu hái, chế biến sản phẩm, giảm áp lực công trong mùa thu hoạch và giảm được một đợt tưới so với các giống cà phê vối chín sớm, chín trung bình. Các giống cà phê mới này, trong vài năm gần đây, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên cũng đã đưa vào trồng tái canh đại trà với ha chục hàng chục ngàn ha, trong đó có nhiều vườn cây đã cho thu hoạch. Trong đó, các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông chủ yếu trồng tái canh, ghép cải tạo bằng các giống mới cà phê này. Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cũng hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp kỹ thuật thâm canh đồng bộ các giống cà phê mới này, nhất là khâu tưới nước, bón phân để không những tiết kiệm được tài nguyên nước, chống thoái hóa đất và giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người sản xuất. Cụ thể, thông thường chi phí tưới nước trong mùa khô đối với cây cà phê ở vùng Tây Nguyên chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất cà phê nên Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo, hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp chỉ tưới từ 400 đến 450 lít nước/gốc/lần tưới ở đợt tưới đầu tiên là phù hợp và giảm dần ở các đợt tưới sau, giảm được từ 250 đến 350 lít nước/gốc/đợt tưới so với thói quen tưới nước cho cà phê trong mùa khô lâu nay ở vùng Tây Nguyên. Các cán bộ của Viện cũng hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp thực hiện công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng hình thức tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa tại gốc…cho cây cà phê để không những làm giảm lượng nước từ 30 đến 40% mà còn góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên còn hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê áp dụng công nghệ bón phân cho cà phê theo độ phì của đất. Giải pháp kỹ thuật này giúp cho các nông hộ, doanh nghiệp không những tiết kiệm chi phí phân bón từ 5 đến 30% mà năng suất còn tăng thêm từ 5 đến 10%, hiệu quả kinh tế tăng từ 3 đến 5% cho mỗi niên vụ cà phê. Đối với các vườn cà phê vối với các giống mới này được trồng tập trung, các nông hộ có điều kiện đầu tư bón phân qua hệ thống tưới nước để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, cây cà phê hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, hạn chế thấp nhất tình trạng thất thoát phân bón. Cũng theo Viện, với phương pháp bón phân qua hệ thống tưới giúp tiết kiệm đến 50% lượng phân bón trên đơn vị sản phẩm… Các tỉnh Tây Nguyên hiện có 597.363 ha cà phê, chiếm 89,9% diện tích cà phê của cả nước, sản lượng mỗi niên vụ đạt từ 1,4 triệu tấn cà phê nhân trở lên.
Quang Huy