Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh, tiếp theo là các xã đã hết dịch bệnh, ổ dịch đã qua 30 ngày. Ảnh: Thanh Sang- TTXVN |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tính đến ngày 16/1/2020 (khi có Quyết định 109/QĐ-UBND công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang) đã có 1.255 điểm dịch tại 131 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố qua 30 ngày hết dịch. Trước đó, thời điểm ngày 31/12/2019, tổng số lợn đã phải tiêu hủy là 28.468 con với trọng lượng gần 1,8 triệu kg. Để đảm bảo việc nuôi tái đàn lợn thận trọng, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh, góp phần ổn định tình hình chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch “Tái đàn lợn trong giai đoạn bệnh dịch tả lợn châu Phi được ngăn chặn”. Theo đó, mục tiêu lâu dài là tăng cường quản lý chăn nuôi lợn; phục hồi đàn lợn nái bị thiệt hại sau dịch; nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh; cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp; nuôi theo hướng an toàn sinh học bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, về ngắn hạn, An Giang sẽ khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi của tỉnh. Ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu phục hồi 80% số lượng lợn đã bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019. “Tổng đàn lợn dự kiến tái đàn đến cuối năm 2020 đạt khoảng 18.748 con, do thành phố Long Xuyên chỉ dự kiến tái đàn khoảng 20% số lượng lợn đã tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi”, ông Lâm thông tin. Hiện nguồn con giống đủ cung cấp cho việc tái đàn tại An Giang và những hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn lợn phải lựa chọn nguồn con giống từ những đơn vị đảm bảo chất lượng, khỏe mạnh, không mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Dự kiến, đến cuối tháng 12/2020, huyện Chợ Mới là địa phương có số lượng tái đàn lợn nhiều nhất với gần 3.000 con; tiếp theo là huyện Châu Thành hơn 2.400 con, huyện Phú Tân hơn 2.300 con; huyện An Phú là địa phương tái đàn ít nhất với hơn 410 con. Hiện nay trên địa bàn tỉnh An Giang có các nguồn cung cấp lợn giống gồm trại Việt Thắng 1 số lượng 1.500 lợn nái, cung cấp con giống từ 7.500 - 9.750 con; trại Việt Thắng 2 số lượng 500 lợn nái, cung cấp con giống từ 2.500 - 3.250 con. Hiện nay lợn nái nuôi trong dân tại An Giang khoảng 5.000 con, cung cấp con giống từ 25.000 - 32.500 con. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tỉnh đã lên phương án tái đàn lợn trên cơ sở các doanh nghiệp, các trang trại lớn đã đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh, tiếp theo là các xã đã hết dịch bệnh, ổ dịch đã qua 30 ngày. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở/hộ gia đình. Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương sát trùng chuồng trại trước đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi tái đàn. Hộ chăn nuôi phải được tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và phải cam kết thực hiện theo đúng quy trình và không thực hiện tái đàn tại những hộ chăn nuôi xen kẻ trong khu dân cư, nội thị. Để tái đàn lợn đạt hiệu quả, ông Trần Anh Thư, UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh; trong đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại và các hướng dẫn của UBND tỉnh, của ngành nông nghiệp trong việc tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. “UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương, tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn; tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn lợn, tăng đàn lợn; tránh tình trạng găm hàng, đẩy giá tăng cao quá mức; bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng”, ông Thư cho biết. Hiện UBND tỉnh An Giang cũng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn tiếp cận chính sách tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi…
Thanh Sang