Tạo thương hiệu cho trái cây Việt tại Australia

Tạo thương hiệu cho trái cây Việt tại Australia
Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị. Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Xin chào Đại sứ, như Đại sứ đã biết, mùa vải thiều ở Việt Nam đã vào cuối vụ và như vậy về cơ bản chúng ta cũng kết thúc đợt nhập vải thiều thử nghiệm sang bán tại thị trường Australia. Xin Đại sứ đánh giá sơ bộ về kết quả của năm đầu tiên này?

Mặc dù thời điểm phía Australia cấp phép cho trái vải nước ta vào thị trường này rất sát với thời vụ thu hoạch, tuy nhiên, với sự cố gắng chung của các cơ quan chức năng ở trong nước cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia và của các doanh nghiệp, trái vải của Việt Nam đã vào được thị trường Australia và bước đầu tạo được thương hiệu cho trái cây Việt Nam ở thị trường hết sức khó tính này. 

Cho đến nay, đã có khoảng 40 tấn vải thiều được nhập vào thị trường Australia và được tiêu thụ gần hết. Nhìn chung, người tiêu dùng Australia đánh giá cao chất lượng của trái vải Việt Nam. Chúng ta cũng đảm bảo được tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng được các quy định về kiểm dịch của phía bạn. 

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo ra thương hiệu cho trái cây của nước ta trong thời gian tới, bởi vì hiện nay ta và Australia vẫn đang tiếp tục đàm phán cho một số trái cây khác của Việt Nam được vào thị trường Australia. Ngoài ra, đây cũng là cú hích để chúng ta đa dạng hóa và mở rộng thị trường cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và cho trái cây của Việt Nam nói riêng. 

* Trong năm thử nghiệm đầu tiên này, chắc chắn sẽ không thể tránh được những khó khăn, vướng mắc từ tất cả các khâu từ ở vườn vải cho đến khi quả vải được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị ở Australia. Đại sứ có thể cho biết cụ thể và hướng khắc phục?

Sau đợt bán hàng mang tính chất “thăm dò” thị trường lần này, Đại sứ quán sẽ cùng Thương vụ Việt Nam tại Australia trao đổi với các cơ quan chức năng trong nước cũng như với các doanh nghiệp, kể cả với nhà vườn trồng vải để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc xuất khẩu trái vải sang thị trường Australia. 

Nhiều vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng, yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch chúng ta phải rút kinh nghiệm và có biện pháp giải quyết tốt hơn. Ví dụ, trái vải ngay sau khi thu hoạch, theo tiêu chuẩn của Australia, phải được lựa chọn kỹ và cuống phải cắt sát quả, không dính đất, lá... Chúng tôi sẽ có những trao đổi cụ thể với các doanh nghiệp về vấn đề bảo quản sau thu hoạch, quy cách đóng gói, vận chuyển, chiếu xạ và kiểm dịch… để chuẩn bị tốt hơn cho vụ vải năm sau. 

* Như vậy, Đại sứ có nhận định, đánh giá như thế nào về triển vọng xuất khẩu vải thiều của Việt Nam sang Australia trong mùa vụ tới?

Phải nói rằng mặc dù Australia là một thị trường hết sức khó tính nhưng có nhiều tiềm năng đối với trái cây của Việt Nam. Trước hết, bản thân người tiêu dùng Australia rất thích ăn trái cây, đặc biệt trái cây nhiệt đới vì trái mùa với trái cây của Australia. 

Thứ hai là, cộng đồng người gốc châu Á ở Australia rất đông nên cũng là một thuận lợi cho trái cây của Việt Nam nói chung và vải của Việt Nam nói riêng. Vấn đề ở đây là chúng ta phải đảm bảo được chất lượng, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu về kiểm dịch. 

Ngoài ra cũng phải tạo được sự hấp dẫn về giá cho trái vải Việt Nam, bởi vì hiện nay, ngoài Việt Nam, Australia còn cho phép Trung Quốc và Thái Lan được xuất khẩu trái vải của họ vào thị trường này. Nếu chúng ta không giải quyết tốt các yếu tố đó thì sự cạnh tranh giữa trái vải Việt Nam với trái vải Trung Quốc và các nước khác sẽ rất khó khăn. 

Hy vọng qua đợt này, chúng ta sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để có sự chuẩn bị tốt hơn nên cũng có nhiều triển vọng hơn. Quan trọng hơn nữa là chúng tôi hiện có kế hoạch quảng bá để mở rộng đối tượng tiêu dùng. Vì vụ đầu tiên gấp nên chỉ mới tập trung vào cộng đồng người gốc Á, nhưng tiếp sau đây sẽ tăng cường truyền thông để quảng bá rộng rãi trong các cộng đồng người Australia khác. 

Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ phải mở rộng thị trường hơn nữa. Hiện nay mới chỉ tập trung vào những chợ bán lẻ rau quả của người gốc châu Á, nhưng sẽ hướng tới đưa trái vải Việt Nam vào những siêu thị lớn của Australia để phục vụ nhiều đối tượng tiêu dùng rộng lớn hơn.

* Australia là một thị trường có sản phẩm trái cây rất đa dạng cũng như nhiều trái cây nhập khẩu từ các nước khác, vậy theo ông chúng ta cần làm gì để quả vải nói riêng và hàng nông sản của Việt Nam nói chung giành được chỗ đứng trên thị trường khó tính này? 

Tôi cho rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, nhất là cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nước với doanh nghiệp và với người sản xuất nhằm đảm bảo tốt nhất về mặt chất lượng và nâng cao tính cạnh tranh về giá cho trái vải. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi Australia quy định từ vùng trồng cho đến quy cách bảo quản, đóng gói, kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Hiện giá thành của trái vải khi đến thị trường Australia còn cao nên chúng ta phải tính toán lại cho hợp lý, nhất là khâu vận chuyển. Ngoài ra, trái vải có thời vụ rất ngắn, nên chúng ta phải làm sao có công nghệ bảo quản tốt để kéo dài thời hạn sử dụng của quả vải. 

Hơn nữa, chúng ta cũng phải đa dạng hóa giống vải. Như tôi được biết, hiện Australia có hàng chục giống vải khác nhau và mùa vụ của họ kéo dài từ giữa tháng 10 tới tận tháng 3 năm sau, mà mùa vải thiều của chúng ta chỉ trong vòng 2 tháng. Do vậy, về lâu dài, rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, giúp tạo ra giống mới đảm bảo chất lượng cũng như công nghệ bảo quản sau thu hoạch. 

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đặc điểm tiêu dùng của từng nước, nên cần có những nghiên cứu, đánh giá sát thực tế. Tuy nhiên, cũng không nên trông chờ quá nhiều vào thị trường nước ngoài, mà nên tìm cách mở rộng cả thị trường trong nước.

* Xin cảm ơn Đại sứ!
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm