Là tỉnh ở duyên hải cực Nam Trung Bộ, du lịch Bình Thuận bắt đầu tạo dấu ấn với du khách bằng sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra ngày 24/10/1995, thu hút hàng trăm ngàn du khách đến Mũi Né, thành phố Phan Thiết để chứng kiến hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên và tham quan bờ biển xinh đẹp, mở ra một trang mới cho sự phát triển của hoạt động du lịch ở địa phương. Hiện nay, du lịch Bình Thuận dần định vị được thương hiệu, xác lập nhiều điểm đến có sức hấp dẫn riêng của vùng đất nhiều nắng, gió. Phát huy thế mạnh, tăng cường thu hút đầu tư, không ngừng đa dạng sản phẩm, du lịch Bình Thuận hứa hẹn tạo được sức bật mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, vươn tầm khu vực và thế giới. Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua chùm ba bài viết nhan đề “Sức bật mới cho du lịch Bình Thuận”, nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022).
Bài 1: Nhiều điểm đến say lòng du khách
Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn cùng vị trí địa lý thuận lợi, là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, du lịch Bình Thuận ngày càng chứng tỏ được sức hút riêng với nhiều điểm đến có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường trong lành và điều kiện nghỉ dưỡng đáp ứng yêu cầu du khách trong nước và quốc tế.
Đặc sắc du lịch biển, đảo
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bùi Thế Nhân, Bình Thuận có 192 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành, khí hậu ấm áp. Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều bãi biển nổi tiếng như Mũi Né, Hòn Rơm ở thành phố Phan Thiết, biển Thuận Quý, Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), Cam Bình (thị xã La Gi), bãi biển Cổ Thạch (huyện Tuy Phong)… Đây chính là những điểm đến với nhiều sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi được du khách lựa chọn.
Du lịch Bình Thuận, đặc biệt là Khu Du lịch Mũi Né ở thành phố Phan Thiết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu Du lịch quốc gia, trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, được nhiều tạp chí về du lịch uy tín trên thế giới bình chọn, công nhận là một trong những điểm đến lý tưởng. Không những vậy, biển Mũi Né - Bình Thuận với định hướng trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sở hữu khí hậu ấm áp và nhiều gió, trong những năm gần đây đã trở thành điểm đến, hội tụ của các tay đua lướt ván buồm, ván diều nổi tiếng thế giới đến từ các nước Anh, Pháp, Nga, Đức. Đồng thời, đây cũng là nơi từng diễn ra lễ hội khinh khí cầu quốc tế.
Đề cập về những điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh đang thu hút lượng lớn du khách, đại diện Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, tại thành phố Phan Thiết, khu vực bãi biển Tiến Thành, Đồi Dương Thương Chánh là bãi biển đẹp, nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn, thoải dần ra biển, được rất nhiều du khách lựa chọn. Phan Thiết còn có bãi biển Mũi Né - Hòn Rơm với nhiều sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng và thể thao biển như: tắm biển, nghỉ dưỡng biển, cắm trại dã ngoại, câu cá, trượt cát, ca nô, thưởng thức các món ăn hải sản tươi ngon. Hiện, ở thành phố Phan Thiết có khá nhiều có khu nghỉ dưỡng được xây dựng, thiết kế hài hòa, khai thác nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan đặc sắc, thu hút khá đông du khách.
Hiếm có địa phương nào như ở Bình Thuận, các điểm đến du lịch với cảnh quan đặc sắc hiện diện ở rất nhiều địa phương thuộc tỉnh. Không chỉ tập trung ở thành phố Phan Thiết, các địa phương như: huyện đảo Phú Quý, huyện Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi… cũng có rất nhiều điểm đến đang ngày càng được nhiều du khách biết tới. Huyện Hàm Thuận Nam có bãi biển Hòn Lan - Kê Gà - Thuận Quý; huyện Tuy Phong có bãi biển Bình Thạnh - Chí Công - Vĩnh Tân với cảnh quan đẹp hoang sơ và bãi đá 7 màu nằm ven biển thuộc xã Bình Thạnh, chạy dài hơn 1 km với những viên đá đủ màu sắc và kích cỡ. Bãi đá này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng và màu sắc nhiều nhất Việt Nam”.
Bình Thuận còn có điểm đến đầy ấn tượng là huyện đảo Phú Quý - nơi được mệnh danh “hòn ngọc giữa biển khơi”. Cách thành phố Phan Thiết khoảng 120 km, Phú Quý là quần đảo gồm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ như: hòn Tranh, hòn Đen, hòn Trứng, hòn Đỏ, hòn Giữa, hòn Hải, hòn Đồ Lớn, hòn Đồ Nhỏ. Du khách đến đây có thể tắm biển, câu cá, lặn biển, thăm các di tích văn hóa - lịch sử, làng chài truyền thống…
Khám phá, trải nghiệm từ tài nguyên du lịch nhân văn
Không chỉ tạo được sức hút với du khách từ những điểm đến gắn liền với tài nguyên du lịch biển, đảo, tỉnh Bình Thuận còn có tới hơn 70 di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó nhiều di tích, lễ hội, làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần khẳng định thế mạnh đặc thù của du lịch Bình Thuận so với các địa phương lân cận.
Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Trường Dục Thanh, nơi vào năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó) đã từng dạy học. Bên cạnh Khu Di tích Trường Dục Thanh còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận lưu giữ nhiều hiện vật quý từ thời Bác Hồ dừng chân dạy học dưới mái trường này. Chị Trần Thị Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, đến Bình Thuận, tham quan, nghỉ dưỡng, một trong những điểm đến mang đến cho chị và các thành viên trong gia đình ấn tượng sâu sắc nhất chính là Di tích Trường Dục Thanh. Trong không gian cổ kính của ngôi trường, được thấy nhiều hiện vật Bác Hồ kính yêu từng sử dụng khi dạy học ở trường, lắng nghe giọng thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên khu di tích, nhiều du khách như chị đã rưng rưng xúc động.
Đến Bình Thuận, du khách còn được tham quan, khám phá nhiều di tích nổi bật khác như Dinh Thầy Thím - di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở thị xã La Gi, gắn liền với di tích này là Lễ hội dinh Thầy Thím đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, với nhiều trò chơi dân gian như: chèo Bả Trạo, diễn xướng tích thầy, biểu diễn võ thuật, thi lắc thúng, gánh cá đi bộ, góp phần khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc, tạo sự đa dạng các sản phẩm cho du lịch Bình Thuận.
Điểm đến Dinh Vạn Thủy Tú ở thành phố Phan Thiết - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng biển Duyên hải miền Trung, nơi lưu giữ bộ xương cá voi dài tới 22 mét, là nơi nhiều du khách ưu thích khám phá, tìm hiểu nét văn hóa ngư dân vùng biển đến tham quan.
Điểm đến Quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư - di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tọa lạc trên đồi Bà Nài, thành phố Phan Thiết, được xây dựng cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX, nhóm Đền tháp Chăm Pôđam ở huyện Tuy Phong, có niên đại thế kỷ VIII - IX.
Từ góc độ của một đơn vị vận hành khu nghỉ dưỡng cao cấp, thiết kế và khai thác nhiều sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng ở khu vực biển Mũi Né, Phan Thiết kết hợp với các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính trải nghiệm, khám phá dành cho du khách, trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Cảnh, Trợ lý Ban Điều hành Pandanus Resort chia sẻ, bên cạnh việc đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển và thưởng thức đặc sản ẩm thực, rất nhiều du khách đặc biệt là du khách quốc tế khi được trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa đặc sắc gắn với các điểm đến như làng chài Mũi Né, chợ hải sản, lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bà La Môn hay Lễ hội Ramưvan của đồng bào Chăm theo đạo Bà Ni ở Bình Thuận đều tỏ ra đặc biệt thích thú và mong muốn được đến tham quan nhiều hơn, trải nghiệm đậm nét hơn về những nét văn hóa gắn với đời sống của cộng đồng các dân tộc ở vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ. (Xem tiếp Bài 2: Nâng cao chất và đa dạng sản phẩm)
Trà - Thanh - Hiếu