Khởi nghiệp nông nghiệp là con đường đưa những người con vùng nông thôn trở về với thửa ruộng, mảnh vườn, giúp người dân nông thôn có thêm thu nhập, khởi sắc kinh tế, nâng cao đời sống. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm khu vực nông thôn khi cung ứng ra thị trường. Không một sự khởi đầu nào không gặp khó khăn, chính vì vậy, cơ hội để thành công luôn được các chủ thể chắt chiu, ứng dụng.
Hướng đến thân thiện môi trường
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vốn là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương. Trọng tâm của chương trình này là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật ở mỗi địa phương giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Từ đó giúp tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Là một trong những đơn vị sản xuất tại nông thôn, nhận thấy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp, cũng là nơi có nhiều phụ phẩm nông nghiệp có thể tận dụng được, để làm thêm nhiều sản phẩm khác, bà Châu Thị Nương, ngụ tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang chia sẻ, Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về trồng lúa nên lượng rơm thải sau thu hoạch rất lớn, khí hậu vùng Tri Tôn, Tịnh Biên rất thích hợp cho việc trồng nấm.
Với mong muốn mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, bà Nương đã ấp ủ ý tưởng, tự nghiên cứu, học tập, sau đó đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm mối đen hoàn chỉnh, từ sản xuất meo, có hệ thống lò hấp, chạy tơ trong phòng máy lạnh. Từ những nghiên cứu và ý tưởng sản xuất này, bà Nương đã tận dụng phụ phẩm rơm rạ làm giá thể sản xuất phôi nấm mối đen cung cấp cho thị trường. Mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 phụ nữ ở nông thôn với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng/người.
Sau khi có được lượng khách hàng lớn, bà Nương đã xây dựng thương hiệu sản phẩm “Nấm mối nàng Nương”. Cung cấp sản phẩm nấm mối tươi ra thị trường với giá 200.000 đồng/kg. Ngoài ra, bà Nương còn cung cấp phôi nấm kết hợp chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Hiện tại, mỗi tháng trại nấm mối đen nàng Nương cung ứng ra thị trường 30.000-50.000 phôi nấm.
Cùng với việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường tại khu vực nông thôn, vừa tạo nên sản phẩm hữu ích, vừa giải quyết vấn đề xử lý phụ phẩm nông nghiệp cho môi trường, chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH Hương Đồng Tháp đã khởi nghiệp bằng những nguyên liệu thân thuộc tại quê nhà như cây sả, vỏ cam, vỏ quýt, lá tràm…
Theo chị Thùy, ngay khi khởi đầu, Hương Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn từ nguồn nguyên liệu đến nguồn vốn, các chứng nhận tiêu chuẩn để người tiêu dùng tin tưởng. Nhưng bằng kiến thức học được từ ngành công nghệ thực phẩm, cùng với việc tìm hiểu các thiết bị công nghệ hiện tại, chị Thùy đã dần dần tinh chế được hơn 60 loại tinh dầu và nước hoa từ các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm, công ty đẩy mạnh đầu tư trang bị máy móc phục vụ sản xuất và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chắp thêm niềm tin cùng người tiêu dùng. Đồng thời Hương Đồng Tháp cũng tìm kiếm cơ hội, tận dụng cơ chế chính sách để hợp tác, xuất khẩu sản phẩm, chị Minh Thùy chia sẻ.
Từ hội chợ đến thương mại điện tử
Tạo ra sản phẩm từ những phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp vốn là một khởi đầu khó khăn, nhưng để có thể tiếp tục giải quyết được nguồn phụ phẩm, lại vừa kiếm thêm nguồn thu nhập, biến phụ phẩm thành sản phẩm hữu ích cho người tiêu dùng, những người sản xuất, khởi nghiệp cũng đã lặn lội trên nhiều chặng đường để đưa sản phẩm vươn xa.
Chính vì điều này, ngay từ lúc bắt đầu, Hương Đồng Tháp chỉ có vỏn vẹn 2 nhân viên, một giám đốc kiêm nhân viên marketing, một kế toán. Hai nhân viên đã đảm nhiệm hết các khâu từ sản xuất, thu mua nguyên liệu, quản lý tài chính, bán hàng, thậm chí đi tìm khách hàng khắp các hội chợ nông nghiệp trên cả nước.
Hiện nay, các sản phẩm của Hương Đồng Tháp đã được người tiêu dùng biết đến, và cũng đã mạnh dạn tiếp cận với kênh thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm của Hương Đồng Tháp nói riêng, sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp nói chung đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Shopee, Lazada, Tiki....
Bước qua chặng đường khởi nghiệp thành công, bằng những chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, các sản phẩm của Hương Đồng Tháp cũng đã hướng đến các chứng nhận OCOP của tỉnh Đồng Tháp. Từ những tiêu chuẩn này, Hương Đồng Tháp có thể tiến gần đến sản phẩm OCOP 5 sao để tìm đường xuất khẩu, chị Minh Thùy tâm tư.
Các đơn vị, cá nhân khởi nghiệp bằng chính những sản phẩm của địa phương vốn đã được ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực, nhiệt tình ủng hộ từ 7 năm trước. Chính vì vậy, một phong trào khởi nghiệp nông nghiệp tại Đồng Tháp phát triển mạnh mẽ, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân địa phương, nông thôn Đồng Tháp, hạn chế được người dân nông thôn bỏ nhà, bỏ ruộng, bỏ vườn đến các khu công nghiệp tìm việc sinh sống.
Tiếp nối tinh thần hỗ trợ người dân nông thôn, hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chính sách tích cực cho nhiều người khởi nghiệp, tích cực phát triển số lượng sản phẩm OCOP từ các đơn vị khời nghiệp hiệu quả, tăng số lượng sản phẩm được thị trường thế giới biết đến. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao.
Đáng chú ý là có gần 400 sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử như Voso, Shopee, Lazada, Tiki, trang Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là khâu đột phá. Theo đó, hoạt động khởi nghiệp mang bên mình những tiềm năng lớn, phát triển tốt giá trị tài nguyên bản địa, giải quyết được việc làm cho lao động. Đồng thời từng bước hình thành cộng đồng doanh nghiệp kế thừa trong tương lai. Để phát huy sức mạnh đó, Đồng Tháp luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, Đồng Tháp cũng đang xây dựng chính sách đặc thù của địa phương, đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm làng nghề, đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đồng thời, Đồng Tháp cũng tiếp tục hỗ trợ các khu, điểm du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động, đạt chuẩn OCOP đối với sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia vào các sàn giao dịch điện tử uy tín, siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước..., ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết thêm.
Trinh Hoàng Nhan