Đàn dê được trao tận tay hội viên, phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Tại buổi lễ, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng lãnh đạo huyện Như Xuân đã trao tận tay 37 con dê giống cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn huyện. Mô hình tổ hợp tác nuôi dê sinh sản phù hợp với nhu cầu và địa hình nên nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số rất phấn khởi và cam kết sẽ liên kết cùng nhau chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, nuôi dưỡng tốt để dê sinh sản thành đàn, tăng thu nhập. Tham gia Tổ hợp tác, các hộ được hướng dẫn cách làm chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trong quá trình phát triển chăn nuôi, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ bảo đảm duy trì và nhân rộng mô hình, giúp các thành viên trong tổ hợp tác thoát nghèo bền vững.
Sau thời gian khảo sát thực tế, nhằm tạo mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ và được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ, các hộ chủ động lựa chọn, mua con giống đảm bảo tiêu chuẩn khỏe mạnh, có khả năng sinh sản tốt để tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo.
Đại diện Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo huyện Như Xuân trao dê cái sinh sản cho hội viên. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Như Xuân là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Việc "trao cần câu, không trao con cá" thực sự là hoạt động thiết thực, tạo thêm sinh kế, giúp người dân có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Khiếu Tư