Theo đánh giá của Công ty Tư vấn và phát triển du lịch cộng đồng quốc tế, Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, hệ sinh thái miệt vườn với nhiều loại cây trái cùng cảnh quan sông nước xanh tươi, trù phú... Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn là nơi giao thoa của ba nền văn hóa các dân tộc Việt-Hoa-Khmer đã mang đến không gian văn hóa đặc sắc với nhiều chùa, điểm sinh hoạt tâm linh, đặc biệt là 92 ngôi chùa Khmer và nhiều lễ hội văn hóa đậm màu sắc của đồng bào dân tộc Khmer…
Chùa Sà Lôn ở Sóc Trăng. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Tuy nhiên, những đặc điểm thuận lợi trên chưa là điểm mạnh để Sóc Trăng đột phá phát triển du lịch do cách nhìn, cách làm chưa được đầu tư đúng hướng, chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh vốn có của địa phương. Sóc Trăng vẫn chỉ là điểm đến, chưa phải là điểm dừng chân của du khách…
Theo thống kê, năm 2016 ở Sóc Trăng, lượng khách đạt trên 1,1 triệu người đến, trong khi khách lưu trú chỉ có hơn 281.000 người và tổng doanh thu đạt hơn 460 tỷ đồng. Nguyên nhân du lịch tỉnh không phát triển do cơ sở hạ tầng chưa phát triển, tuyến tour kết nối với các tỉnh, thành không nhiều; hệ thống khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ vui chơi đi kèm và loại hình du lịch, sản phẩm du lịch chưa có điểm mới, lạ, độc đáo…
Theo đó, để phát triển du lịch, trong giai đoạn 2017-2020, Sóc Trăng ưu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng, khuyến khích đầu tư từ các nhà đầu tư trung bình và nhỏ ở trong và ngoài tỉnh, huy động nguồn lực sẵn có từ doanh nghiệp, xây dựng các hình mẫu mô hình du lịch cộng đồng, khi có hiệu quả sẽ nhân rộng. Việc phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh gắn chặt với các điểm nhấn mang tính lợi thế so sánh của Sóc Trăng.
3 năm tới, Sóc Trăng sẽ tập trung nguồn lực phát triển ba trọng điểm du lịch - tạo thành bước đột phá về chất lượng cho du lịch tỉnh Sóc Trăng, đó là: Khu vực dọc theo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp qua huyện Mỹ Tú, Ngã Năm - Du lịch không gian văn hóa thuần chất Nam bộ; Vùng hạ lưu sông Hậu thuộc huyện Kế Sách - Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao đậm chất Tây Nam bộ; Vùng Cù Lao Dung - Du lịch khám phá thiên nhiên, lịch sử.
Đa số các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch phát triển chuỗi giá trị du lịch tỉnh Sóc Trăng có tính khả thi cao, có thể tạo đột phá để phát triển du lịch Sóc Trăng nhanh và bền vững trong những năm tới.
Trung Hiếu
TTXVN