Tạo cơ hội bứt phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Tạo cơ hội bứt phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Sáng 29/8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo hướng dẫn xây dựng và đánh giá dự án triển khai thuộc khuôn khổ đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).

Theo ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), đến năm 2022, theo đánh giá của Tổ chức Start-up Blink (Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu), hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng lên 5 bậc so với năm 2021, xếp vị trí thứ 54 trong bảng xếp hạng các hệ sinh thái toàn cầu. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vượt qua Philippines và hiện đang xếp ở vị trí thứ 5 về mặt tổng thể triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiện Thái Lan đang được xếp ở vị trí 53. “Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường cạnh tranh về mặt thu hút đầu tư cũng như môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua Thái Lan, vươn lên đứng thứ 4 về mặt tổng thể triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Phạm Dũng Nam nhận định.

Đánh giá về trình độ phát triển tương quan giữa các khu vực của Việt Nam, theo ông Phạm Dũng Nam, hiện nay đầu tàu của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Thống kê số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay, Thủ đô Hà Nội chiếm khoảng 40%; Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 46%; Đà Nẵng 4%; các tỉnh, thành phố khác 3%. Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cũng như thị trường gần 100 triệu dân. Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển ở 2 thành phố là chưa đủ. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Dương, Phú Thọ...

Năm 2022, Bộ đã bắt đầu triển khai đến những vùng sâu, vùng xa hơn như Sơn La, Lai Châu, Đồng Nai. Đây là những địa phương có mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở mức ban đầu.

Ông Phạm Dũng Nam nhắc lại chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính về phủ phát triển Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các địa phương. Đây là việc cần tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn tới; đặc biệt là tại các địa phương có hệ sinh thái mới hình thành ở mức ban đầu. Những địa phương này cần có cách làm bài bản, hệ thống chuyên gia đủ năng lực, kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để nguồn ngân sách nhà nước có thể trực tiếp đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, phát triển. Hiện nay hành lang pháp lý còn một số vướng mắc. Thời gian tới, đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục đánh giá lại kết quả triển khai các quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh để có báo cáo sát thực tiễn, từ đó trình hướng điều chỉnh những quy định liên quan.

Cũng theo ông Phạm Dũng Nam, trên thực tế, đã có những nội dung về ngân sách nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đưa vào một số quy định đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra một số góp ý cho Luật Thủ đô.

Cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập, ông Phạm Dũng Nam nhận định, đây là giai đoạn cần có sự nghiêm túc tiếp cận với những tiêu chuẩn quốc tế để phát huy tốt nhất nội lực, đặc biệt là đối với hệ thống giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công có nhà sáng lập dành thời gian nghiên cứu, tu nghiệp ở nước ngoài. Do đó, nếu muốn tạo ra một hệ sinh thái phát triển bền vững hơn nữa, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, chất lượng của các lực lượng trong trường đại học, trung tâm nghiên cứu ở trong nước. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được đưa vào trong các trường đại học. Kiến thức, tư duy cần được truyền tải bài bản, từ đó, giúp nâng dần số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ trong nước.

Chia sẻ cách thức xây dựng nội dung nhiệm vụ triển khai Đề án 844, ông Từ Minh Hiệu, Phó Trưởng phòng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết một số thông tin tổng quan về Đề án 844; Quyết định số 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và một số văn bản liên quan.

Theo đó, mục tiêu của Đề án 844 nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại địa chỉ startup.gov.vn.

Đến năm 2025, mục tiêu của Đề án hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có 600 dự án phát triển thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Với những mục tiêu này, ông Từ Minh Hiếu cho biết, giai đoạn tới, việc triển khai Đề án cần tính đến kế hoạch trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mỗi gian đoạn cần có tính toán kỹ về phương thức cũng như cách gọi nguồn vốn theo hướng đa dạng; có tiếp thu, học hỏi bài học kinh nghiệm từ trong nước, nước ngoài; nhận tư vấn của mạng lưới chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mỗi hoạt động, cần có đánh giá cụ thể, chỉ ra những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục.

Thu Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm