Quang cảnh hội nghị. Ảnh: nguồn: baohoabinh.com.vn |
Theo đó, thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTG ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, tỉnh Hòa Bình đã cụ thể hóa đề án, quy định thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Đồng thời, tỉnh đã ban hành tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu về cánh đồng lớn trong sản xuất trồng trọt; ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt… Tính đến hết năm 2017, tỉnh Hòa Bình và các huyện, thành phố đã dành ngân sách gần 40 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp người sản xuất; hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nạo vét kênh mương, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất. Trong giai đoạn 2013 – 2017, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi mạnh theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng vẫn duy trì an ninh lương thực; lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Hòa Bình có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 4%/năm; giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt chiếm trên 70% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Gia đình ông Bùi Nam Chềnh, ở xóm Nam Thái, xã Nam Phong được vay 30 triệu đồng đầu tư cải tạo hơn 3000m2 đất đồi trồng cam, quýt, sau 3 năm đã cho kết quả tốt. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 17.000 ha đất trồng lúa, đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, nhãn, mía, cây rau màu ngắn ngày. Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, giá trị thu nhập/ha đất nông nghiệp năm 2013 đạt 85 triệu đồng/ha, năm 2017 đã tăng lên 120 triệu đồng/ha/năm. Việc gia tăng giá trị thu nhập chủ yếu do sản lượng cây ăn quả có múi trong những năm gần đây tăng mạnh. Toàn tỉnh hiện có 8.600 ha cây ăn quả có múi; trong đó, diện tích kinh doanh 3.768 ha, sản lượng trên 80 ngàn tấn. Diện tích mía ổn định khoảng 9.000 ha, rau đậu các loại trên 11.000 ha; cây lương thực có hạt hàng năm đạt trên 77.000 ha, sản lượng đạt trên 36 vạn tấn. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung nêu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế như việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh.
Từ vốn 200 triệu vay ưu đãi, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Hạ Bì, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) có điều kiện đầu tư nhà lưới, cải tạo đất trồng rau, quả các loại, ổn định việc làm cho 15 lao động. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Ông Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi chia sẻ, hoạt động thu mua, tiêu thụ nông sản chủ yếu vẫn qua đường tư thương, tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn còn tồn tại dẫn đến kìm hãm sự phát triển bền vững của cây trồng chủ lực. Ngoài ra, chi phí nhận an toàn thực phẩm, VietGap còn khá cao, trong khi sản phẩm có giá bán không cao so với các sản phẩm cùng loại nên chưa khuyến khích được người sản xuất chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm trồng trọt. Triển khai kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2018- 2020, tỉnh Hòa Bình tập trung đầu tư phát triển cây trồng theo thế mạnh của từng địa phương, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa gắn với cơ sở chế biến công nghiệp. Theo quy hoạch đến năm 2020 diện tích cây ăn quả có múi đạt 17.531ha; trong đó, diện tích được quản lý chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ chiếm 40% diện tích; 70% diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm VietGap, GAP. Tỉnh đẩy mạnh quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và chất lượng nông sản; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong khâu thu hạch, sơ chế, chế biến nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Nhan Sinh