Gia đình anh Nguyễn Văn Cường, ấp Long Huê, xã Long Thới thoát nghèo nhờ nghề đan bội kẽm. Ảnh : Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Bà Võ Thị Lượng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Long Thới cho biết, năm 2013 toàn xã có khoảng 2.000 hộ tham gia đan bội kẽm, đến nay đã tăng trên 3.000 hộ. Người tham gia đan bội kẽm là những người nhàn rỗi hoặc những người làm vườn tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập. Công việc nhẹ nhàng, không áp lực thời gian và chăm lo được cho gia đình nên nhiều phụ nữ hoặc người lớn tuổi tham gia nghề đan bội kẽm.
Nghề đan bội kẽm không kén chọn tuổi tác và có nhiều công đoạn để mọi lứa tuổi đều có thể tham gia. Để hoàn thành một cái bội kẽm bán ra thị trường phải có nhiều công đoạn khác nhau và tùy vào điều kiện của mỗi người có thể nhận một công việc thích hợp từ ra dây, làm nắp, đan bội và quấn chân... Người dân nào muốn tham gia đan bội kẽm sẽ đến cơ sở kinh doanh đăng ký và học nghề khoảng một tuần. Sau đó, cơ sở sẽ giao nguyên liệu đến tận nhà để mọi người gia công.
Vì lớn tuổi không thể lao động nặng hay đi làm thuê được nên ông Huỳnh Văn Hùng (67 tuổi), ấp Hòa An, xã Long Thới cùng vợ ở nhà gia công bội kẽm để kiếm thêm thu nhập. Ông Hùng cho hay, mỗi ngày vợ chồng ông làm được khoảng 3-4 chiếc bội kẽm, thu nhập 50.000 – 60.000 đồng/ngày.
Mỗi ngày vợ chồng anh Nguyễn Trung Nam, ấp Hòa An, xã Long Thới đan được khoảng 15 chiếc bội kẽm, thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Ảnh : Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Theo chị Nguyễn Thị Kim Tuyến ở ấp Long Hiệp, xã Hòa Nghĩa, gia đình chị sống bằng nghề làm vườn, tận dụng thời gian rỗi, chị Tuyến đan bội kẽm kiếm thêm thu nhập. “Tôi thấy công việc này cũng khá đơn giản, hàng ngày vừa làm công việc gia đình, tranh thủ lúc rảnh tôi đan được 5 cái bội loại 9 tấc, được trả công 12.500 đồng/cái, có thêm thu nhập hơn 60 ngàn đồng/ngày”, chị Tuyến chia sẻ.
Một số hộ lành nghề, có kinh tế khá đã đứng ra thành lập cơ sở sản xuất và kinh doanh bội kẽm. Hiện nay, huyện Chợ Lách có trên 140 cơ sở đăng ký kinh doanh lĩnh vực này, tập trung ở các xã Long Thới, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn…. thu hút vài ngàn nhân công. Ngoài ra, còn có các đại lý nhỏ đóng tại địa bàn các xã để phân phối nguyên liệu từ cơ sở đến các hộ đan bội kẽm và thu gom bội kẽm từ các hộ về cơ sở.
Bốn năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Trung Nam, ấp Hòa An, xã Long Thới đã gắn bó với nghề đan bội kẽm. Mỗi ngày, vợ chồng anh đan được khoảng 15 chiếc bội với tất cả các công đoạn làm nắp, đan bội và quấn chân,... Tùy theo chiều cao chiếc bội mà tiền công được trả khác nhau, chiếc bội có chiều cao 1m được trả công 16.000 đồng/chiếc và 32.000 đồng/chiếc bội cao 1,2m. Bình quân vợ chồng anh Nam thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. “Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu từ nghề đan bội kẽm. Khoảng một năm nay, tôi kiêm thêm công việc phân phối kẽm từ cơ sở đến các hộ gia đình đan bội kẽm và thu gom bội từ các hộ đan bội về cho cơ sở. Nhờ vậy, thu nhập tăng thêm”, anh Nam cho biết.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường, ấp Long Huê, xã Long Thới, thoát nghèo nhờ nghề đan bội kẽm. Ảnh : Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Hiện tại cơ sở sản xuất và kinh doanh bội kẽm của chị Phan Thị Trúc Loan, xã Long Thới có trên 500 nhân công ở các xã: Vĩnh Bình, Hòa Nghĩa, Long Thới và thị trấn Chợ Lách nhận nguyên liệu về đan gia công ở gia đình. Theo chị Loan, mùa hút hàng bội kẽm thường bắt đầu từ khoảng tháng 9 âm lịch đến tháng Giêng, bởi lúc này gà mọc lông tơ nên được úp bội khiến nhu cầu về bội kẽm tăng. Thời điểm này, bội được làm ra không đủ cung ứng cho thị trường. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Loan cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1.000 chiếc bội thành phẩm lớn nhỏ.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách cho biết, hiện nay thị trường bội kẽm không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng sang Trung Quốc, Campuchia,… Nghề đan bội kẽm giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ dân đặc biệt là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 5-7 triệu/tháng từ nghề đan bội kẽm. Nghề đan bội kẽm cũng được huyện chọn đưa vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn.