Trong chuỗi sự kiện Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023, ngày 12/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt".
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, giải đáp các thắc mắc của nông dân, các hợp tác xã, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể của để góp phần nâng cao giá trị nông sản của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, hội thảo là sự kiện quan trọng, cần thiết để các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhà khoa học và nhà quản lý cùng trao đổi, bàn luận về xu hướng thị trường nông sản, việc chế biến và xuất khẩu nông sản, cách tiếp cận chuỗi giá trị và ứng dụng tiến bộ công nghệ nhằm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và hiệu quả tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý để trao đổi về những trăn trở, băn khoăn qua thực tiễn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Qua hội thảo nhằm gửi những thông điệp về trách nhiệm đến với doanh nghiệp, nhà quản lý, người trực tiếp sản xuất và nhà khoa học đối với việc cùng nhau liên kết để đề ra các giải pháp thiết thực, từng bước nâng tầm giá trị nông sản, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững.
Báo cáo đề dẫn về "Xu hướng thị trường nông sản thế giới và giải pháp nâng cao giá trị các nông sản chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thành Danh - Trường Kinh tế (Đại học Cần Thơ) đánh giá, bối cảnh nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay hầu hết đều có lợi thế so sánh dựa trên tài nguyên nông nghiệp với nhiều ngành hàng như lúa, thuỷ sản, cây ăn trái, cây công nghiệp...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Mekong, chưa chuyên môn hoá cao, sản xuất còn manh mún, chưa có nền nông nghiệp hàng hoá và còn chịu tác động của biến đổi khí hậu, xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hệ thống logistics chưa phát triển kịp yêu cầu và thiếu những công ty lớn đặt bản doanh tại vùng.
"Đối với vấn đề cung - cầu - thị trường nông sản, hiện nay, các địa phương vẫn sản xuất "tự nhiên" là chính, thị trường nội địa bão hoà trong khi thị trường quốc tế chưa nhiều, việc liên kết cung - cầu còn yếu… dẫn đến kênh phân phối chưa phát triển cao. Bên cạnh đó, rủi ro và sự không chắc chắn của thị trường nông sản quốc tế do ảnh hưởng sự bất ổn của chính trị thế giới, nhiều loại nông sản bị phụ thuộc vào một vài người mua (quốc gia lớn) dẫn đến thị trường thuộc về người mua và tạo áp lực giảm giá nông sản", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thành Danh cho hay.
Để nâng cao giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thành Danh cho rằng, cần có chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp, đồng thời xây dựng các tập đoàn, tổng công ty mạnh về khoa học công nghệ...để ứng dụng vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là "hạt nhân" và nông dân là các "vệ tinh”; chú trọng xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng, củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống hợp tác xã, liên kết giữa các công ty…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho rằng, hợp tác xã chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu nông sản. Hoạt động hiệu quả của các hợp tác xẽ sẽ giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng, đồng thời tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu nông sản.
Ông Nguyễn Văn Liêm đề xuất, để thực hiện tốt liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản giúp nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân, các địa phương cần chú trọng đào tạo huấn luyện các nông dân nòng cốt tham gia sản xuất nông sản hàng hóa gắn với quy hoạch, nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn.
Các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng, phổ biến cho người dân nắm rõ được tầm quan trọng của việc cấp, duy trì mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu xuất khẩu, xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Song song đó, địa phương cần nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết trong việc tư vấn xây dựng hoặc tổ chức xây dựng hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn... để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung góp phần mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Lê Thúy Hằng