Tăng cường các giải pháp bảo đảm kiềm chế lạm phát dưới 4% năm 2018

Tăng cường các giải pháp bảo đảm kiềm chế lạm phát dưới 4% năm 2018
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, công tác phối hợp điều hành giá của các bộ mang lại kết quả tích cực trong 4 tháng đầu năm, giúp CPI tăng đúng theo kịch bản mà Ban Chỉ đạo đã đưa ra từ đầu năm. Tuy nhiên, trong gần 2 tháng qua kể từ khi cuộc họp Quý I/2018 của Ban Chỉ đạo, tình hình giá cả tăng như giá dầu, giá thịt lợn (do hộ chăn nuôi không tái đàn vì thời gian dài thua lỗ trước đó), giá lương thực (do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng), giá gas... cùng với các diễn biến phức tạp của thị trường thế giới đã tạo áp lực hơn trước rất nhiều đối với nhiệm vụ điều hành giá cả. Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung tìm giải pháp điều hành, ứng phó với các biến động từ bên ngoài tới giá cả trong nước, bảo đảm đúng chỉ tiêu pháp lệnh CPI cả năm 2018 tăng dưới 4%. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá trong 5 tháng đầu năm diễn biến theo hướng tăng tương đối cao vào 2 tháng đầu năm, giảm nhẹ trong tháng 3 và tăng trở lại trong 2 tháng tiếp theo. Bình quân 5 tháng, CPI tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước. Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính dự báo các yếu tố khác gây sức ép lên CPI như rủi ro bão lũ, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục, điều chỉnh tiền lương cơ sở từ ngày 1/7/2018, điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu (thêm 1.000 đồng/lít), việc xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân có thể phát sinh khi các yếu tố đầu vào tăng. Tuy nhiên, các yếu tố làm giảm áp lực mặt bằng giá là nhu cầu thực phẩm tươi sống dự báo ổn định và giảm vào mùa hè, giá rau xanh ở mức thấp do thời tiết thuận lợi, giá thuốc chữa bệnh tiếp tục giảm từ 10 - 15% theo kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh nhờ các quy định mới khi thay thế Thông tư liên tịch số 37 trong tháng 5/2018, giá cước kết nối các mạng di dộng giảm 20%, lạm phát cơ bản, tỷ giá, lãi suất được điều hành ổn định... Từ các nhận định trên, Bộ Tài chính dự báo các phương án điều hành giá từ nay tới cuối năm 2018, bảo đảm thực hiện thành công chỉ tiêu lạm phát tăng dưới 4% của Quốc hội. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, cơ quan này cũng dự báo các kịch bản điều hành CPI sát với con số của Bộ Tài chính từ nay tới cuối năm. Ông Lâm đề nghị Bộ Y tế cần nhanh chóng ban hành Thông tư thay thế Thông tư 37 sẽ giúp CPI giảm 0,28%; liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu; khuyến nghị các bộ, ngành điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý nên trùng hoặc sau tháng của năm trước đã điều chỉnh... Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất để giữ giá bán lẻ điện bình quân hiện nay, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong sử dụng hiệu quả, hài hòa Quỹ bình ổn xăng dầu. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, các Trạm BOT đã cơ bản hoàn thành điều chỉnh giá, phí đường bộ theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là “ưu tiên giảm phí hơn giảm thời gian thu phí”, giá dịch vụ cảng biển, hàng không cơ bản ổn định và sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích kết nối các loại hình vận tải để tránh sức ép sang đường bộ. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai thu phí không dừng tại hai làn hai chiều và một làn hỗn hợp ở 78 Trạm BOT vào cuối năm 2018, tới hết năm 2019 sẽ đưa tất cả các làn thành thu phí không dừng, bảo đảm giảm chi phí nhân công của các BOT. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định: “Hoàn toàn có khả năng kiểm soát CPI dưới mức 4% của năm 2018”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 259/TB-BCĐĐHG ngày 30/3/2018. Riêng đối với nhiệm vụ bình ổn giá của tháng 6/2018, Phó Thủ tướng cho rằng, có vai trò quan trọng đối với công tác điều hành giá cuối năm. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ giữ ổn định mức giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh giảm giá đối với các mặt hàng có khả năng giảm (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế); tiếp tục rà soát các trạm BOT đã quyết toán để giảm giá phí dịch vụ đường bộ. Đối với các mặt hàng đã thực hiện cơ chế giá theo cơ chế thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước hài hòa, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, tạo dư địa thuận lợi cho kiểm soát mặt bằng giá cả năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan định hướng giữ cơ cấu gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao (80%), còn lại là gạo thường (không quá 20%). Đối với mặt hàng thịt lợn hơi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt hiện trạng số lượng đàn nái, lợn thịt từ nay tới cuối năm 2018, tăng cường nâng cao chất lượng đàn, thông báo tới Ban Chỉ đạo điều hành giá để điều phối, tránh khan hiếm thịt lợn cục bộ, đẩy giá tăng cao; tích cực đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường chính ngạch với mặt hàng trái cây của Việt Nam. Bộ Y tế tiếp tục đấu thầu thuốc tập trung, đấu thầu vật tư y tế, khẩn trương ban hành Thông tư thay thế Thông tư 37 để thi hành vào ngày 15/7/2018, trong đó có 80 giá dịch vụ y tế giảm giá có tác động rất lớn tới giảm chi phí khám chữa bệnh của người dân, tác động tích cực tới Quỹ Bảo hiểm y tế và kéo giảm CPI. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng quyết định các phương án về thời điểm kết cấu tiền lương trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh và tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế nhằm bảo đảm chỉ tiêu lạm phát và hỗ trợ chuyển đổi chi phí khám chữa bệnh theo cơ chế thị trường. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi Thông tư số 55, khắc phục tình trạng lạm thu năm học mới và kiểm soát giá vật tư văn phòng phẩm. Bộ Xây dựng tăng cường quản lý, không để đầu cơ, thổi giá đất tại các đặc khu kinh tế và vùng ven đô, quản lý tốt giá cả một số vật liệu như cát, sỏi, xi măng. Bộ Tài chính chú ý tốc độ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công, tránh dồn giải ngân vào cuối năm và kịp thời ứng tiền cho các dự án đầu tư quan trọng. Bộ Công Thương quán triệt chỉ đạo của Chính phủ không tăng giá điện trong năm 2018, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh... Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương truyền thông đầy đủ, kịp thời về tình hình sản xuất kinh doanh, giá cả các mặt hàng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng trong những tháng cuối năm.
TTXVN

Có thể bạn quan tâm