Trong bối cảnh tại một số tỉnh, thành phố số ca cúm mùa có xu hướng gia tăng, trong đó tỷ lệ ca mắc cúm A qua thống kê của các bệnh viện tăng cao so với các năm trước, theo lời những “lời khuyên truyền miệng”, người dân tìm mua thuốc điều trị Tamiflu để điều trị cúm A cũng tăng theo, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và giá thuốc tăng cao bất thường.
Nhằm bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa, ngày 28/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố; Các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ; Các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc.
Các cơ sở y tế chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc điều trị cúm
Theo đó, để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 665/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Đồng thời, chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bản thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bản theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố).
“Không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi. Các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về thặng số bán lẻ quy định tại Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2021 của Chính phủ”, văn bản của Cục Quản lý Dược nêu rõ.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Đối với các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược yêu cầu chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm, trong đó có các thuốc điều trị cúm A, chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.
Các cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giả thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Tamiflu không phải là “thần dược” trị cúm
Liên quan đến thuốc Tamiflu, bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, bệnh cúm hay còn gọi là cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
“Không phải bệnh nhân cúm nào cũng phải dùng Tamiflu”, bác sĩ Trần Thu Nguyệt khẳng định, bởi 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi mới cần nhập viện điều trị. Ngoài thuốc Tamiflu, bác sĩ sẽ dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị. Những trường hợp mắc cúm nhưng chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp Xquang phổi không có tổn thương chỉ cần điều trị ngoại trú, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi.
Theo bác sĩ Nguyệt, Tamiflu là thuốc kháng virus, nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm. Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virut cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi, sau đó men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới. Tamiflu ức chế sự nhân lên của virus này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể.
Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.
Bác sĩ Trần Thu Nguyệt cho biết, Tamiflu được dùng trong trường hợp bệnh nhân cúm với triệu chứng rõ ràng như sốt cao, kéo dài, liên tục, tổn thương phổi. Những người thuộc nhóm dễ bị biến chứng cúm nặng như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch…
Bên cạnh đó, Tamiflu cũng gây ra một số tác dụng phụ, thường gặp nhất là có thể gây nôn ói. Ngoài ra có tiêu chảy, nhức đầu, gây độc thận ở những người có bệnh thận.
“Tamiflu không phải là “thần dược” trị cúm. Đáng lo ngại, việc lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, như hiện tượng kháng thuốc này ngày càng tăng”, bác sĩ Trần Thu Nguyệt chia sẻ.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả. "Đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh.
PV