Ngày 16/12, các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết một trong những loại virus cúm đang lưu hành rộng rãi đã biến đổi và các loại vaccine cúm hiện tại không đạt hiệu quả cao chống những loại virus này. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, có thể không tác dụng phòng bệnh, song những vaccine này vẫn giúp ngăn ngừa bệnh chuyển nặng.
Giáo sư vi sinh vật học Scott Hensley thuộc Đại học Pennsylvania đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, nói rõ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của nhóm này cho thấy dường như vaccine không còn tác dụng nữa. Vaccine cúm bảo vệ chống lại 4 chủng virus khác nhau: H3N2, H1N1 và 2 chủng cúm B. Nghiên cứu của nhóm Hensley chỉ tập trung vào chủng H3N2 và cũng là chủng virus lưu hành chủ yếu hiện nay.
Việc vaccine giảm hiệu quả có thể lý giải cho đợt bùng phát dịch cúm tại Đại học Michigan vào tháng trước với hơn 700 người bị cúm. Hơn 26% trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính đã được tiêm vaccine cúm và tỷ lệ này tương đương ở những người xét nghiệm âm tính. Điều này đồng nghĩa là vaccine không hiệu quả trong ngăn ngừa nhiễm bệnh.
Theo Giáo sư Hensley, nguyên nhân khiến vaccine giảm tác dụng là do virus cúm luôn biến đổi, thậm chí với tần suất nhiều hơn các loại virus khác, kể cả virus corona và nhiều loại biến thể virus cúm khác nhau lại có thể lưu hành đồng thời. Đáng chú ý, biến thể H3N2 đã biến đổi để né tránh các kháng thể do cơ thể tạo ra nhờ tiêm vaccine. Kháng thể là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại những phần tử xâm nhập cơ thể như virus và vaccine hiện tại dường như không tạo ra bất kỳ kháng thể nào phù hợp chống lại phiên bản đột biến này của H3N2, được gọi tắt là 2a2. Điều may mắn là những biến đổi không có khả năng ảnh hưởng đến "tuyến phòng thủ" thứ 2 trong hệ thống miễn dịch là các tế bào T.
Theo Giáo sư Hensley, ngay cả khi vaccine không thể phòng bệnh, loại chế phẩm này vẫn có khả năng ngăn chặn bệnh chuyển nặng và tử vong. Do đó, tiêm phòng cúm vẫn rất quan trọng để giảm số ca nhập viện vì virus SARS-CoV-2 và phiên bản mới của chủng cúm H3N2 là 2a2 cùng phổ biến trong những tháng tới.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết bệnh cúm mùa hầu như đã biến mất vào năm ngoái nhưng sẽ quay trở lại vào năm nay và có nguy cơ gây ra "đại dịch kép" cúm và COVID-19.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Hensley nhận định rằng khả năng miễn dịch cộng đồng chống lại virus cúm xuống thấp vì những virus này không lưu hành rộng rãi trong đại dịch COVID-19. Các biện pháp phòng dịch COVID-19 như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và hạn chế đi lại đã góp phần giảm sự lây lan của virus cúm trên toàn cầu, song một khi các biện pháp được nới lỏng, virus cúm sẽ lây lan rộng rãi.
Ngoài ra, hiệu lực của vaccine cúm thay đổi theo từng năm do vấn đề thời gian cần thiết để tạo ra vaccine cúm. Hầu hết vaccine cúm được sản xuất theo công nghệ cũ, mất nhiều thời gian để thử nghiệm, sản xuất và đưa ra thị trường, do đó virus có thể phát triển trong giai đoạn này và xuất hiện các biến thể mới chiếm ưu thế.
Theo CDC, khi vaccine không đáp ứng với các loại virus lưu hành, hiệu quả vaccine giảm mạnh, thậm chí xuống còn 6%, như đối với chủng H3N2 trong mùa cúm 2014-2015. Giáo sư Hensley cho biết những thay đổi trong virus H3N2 năm nay gợi nhớ đến những đột biến khiến vaccine suy yếu vào năm 2014-2015.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mọi thứ vẫn có thể thay đổi. Trong khi các ca nhiễm 2a2 H3N2 đang gia tăng nhanh chóng ở Mỹ và các khu vực khác trên thế giới, các biến thể khác của H3N2 có thể sẽ chiếm ưu thế trong tương lai. Thậm chí, không loại trừ khả năng virus H1N1 hoặc cúm B có thể chiếm ưu thế vào cuối mùa 2021-2022. Điều nguy hiểm là vẫn chưa rõ vaccine có tác dụng với những biến thể đó như thế nào.
CDC cho biết bệnh cúm mùa gây tử vong cho khoảng từ 12.000 đến 52.000 người mỗi năm tại Mỹ, và khiến cho 700.000 người phải nhập viện điều trị.
Phong Hà