Sức mạnh lòng dân biên giới

Sức mạnh lòng dân biên giới

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Quang Long cùng với nhân dân xóm Khỵ Rót, xã Quang Long (Hạ Lang) phát quang đường lên cột mốc 891.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Quang Long cùng với nhân dân xóm Khỵ Rót, xã Quang Long (Hạ Lang) phát quang đường lên cột mốc 891.
Một chiều mùa hè, khi nắng nóng đang gay gắt, chúng tôi chứng kiến nhân dân xóm Khỵ Rót, xã Quang Long (Hạ Lang) đã tập trung đầy đủ dưới chân núi để chuẩn bị cho buổi phát quang đường lên cột mốc 891 cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Quang Long. Đưa tay lau những giọt mồ hôi, Thượng tá Nguyễn Xuân Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Long cho biết: Đây là hoạt động thường xuyên nằm trong kế hoạch phối hợp hằng năm giữa Đồn Biên phòng Quang Long và UBND xã Quang Long về tuần tra, phát quang 34 cột mốc với chiều dài đường biên giới 18,6 km. Ông Thẩm Đức Toàn, 53 tuổi, Trưởng xóm Khỵ Rót, người 5 năm liền được bà con bầu giữ chức trưởng xóm cũng là ngần ấy năm đi đầu trong việc vận động bà con tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông Toàn bày tỏ: Ngày trước bà con mình chưa có hiểu biết về ranh giới địa chính, cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ cột mốc đường biên. Được cán bộ biên phòng hướng dẫn, tuyên truyền, bà con có ý thức trong việc tố giác tội phạm, tham gia bảo vệ cột mốc. Hầu hết mọi người trong bản đều nhận biết được các dấu hiệu về đường biên, cột mốc, tránh vi phạm pháp luật về biên giới.

Huyện Trà Lĩnh có 8,201 km đường biên giới; đến nay các xóm, bản giáp biên đã thành lập “Tổ tự quản đường biên cột mốc”. Đại úy Vũ Văn Dương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh cho rằng: Xác định, để quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới đạt hiệu quả, phải xây dựng và củng cố cơ sở chính trị trong nhân dân. Từ đó, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh lặn lội đến các xóm, bản biên giới phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nhận đất, rừng, từng đoạn đường biên, mốc quốc giới để khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển kinh tế.

 Điển hình trong công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu và chấp hành thực hiện các quy định của luật, hiệp định, quy chế biên giới là ông Nông Văn Sy, 59 tuổi, Bí thư Chi bộ, Truởng xóm Bản Hía, thị trấn Hùng Quốc. Ông chia sẻ: Trước đây, khu vực xung quanh một số cột mốc thường xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư. Sau khi nhận tự quản đoạn đường biên giới, bà con trong xóm thay nhau lên núi chăn trâu, bò, lấy củi, kết hợp đi dọc đoạn đường biên giới để quan sát, nắm tình hình xung quanh cột mốc và cả đoạn đường tuần tra biên giới. Gặp bất kỳ trường hợp khả nghi nào thì đều báo ngay cho BĐBP để có biện pháp xử lý.

Tỉnh Cao Bằng có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc trải dài trên 333 km, với 634 mốc, nằm trên địa bàn 46  xã, thị trấn, với 24.956 hộ/110.066 nhân khẩu, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... Những năm qua, tình hình KT - XH khu vực biên giới có sự chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, do điều kiện về địa lý tự nhiên nên khu vực biên giới của tỉnh vẫn là địa bàn khó khăn nhất và còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Để người dân khu vực biên giới hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ cột mốc đường biên, các cán bộ, chiến sỹ BĐBP đến từng gia đình tuyên truyền tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, tránh tình trạng xâm canh, di cư tự do, kết hôn xuyên biên giới khi không được công nhận của chính quyền hai bên; giúp đỡ nhân dân về ngày công, phổ biến khoa học kỹ thuật và hỗ trợ cây giống cho bà con thực hiện các mô hình kinh tế; chăm sóc sức khỏe người dân…Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở, các đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát số lượng cột mốc trên toàn tuyến. Tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia, hiệp ước, hiệp định, quy chế khu vực biên giới, hướng dẫn quần chúng nhân dân nhận biết dấu hiệu đường biên, mốc giới trên thực địa; xây dựng quy chế phối hợp giữa các đồn Biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức chỉ đạo các xóm triển khai thực hiện phong trào trên toàn tuyến biên giới. Đồng thời, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động, đưa dân ra sát biên giới lập các thôn, xóm mới; giao đất sản xuất kết hợp giao đường biên, cột mốc để nhân dân tham gia tự quản; xây dựng hương ước tự quản, kịp thời phát hiện tình hình, cảnh báo xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra...

Đến nay, tại 46/46 xã, thị trấn biên giới, 158/158 xóm sát biên giới đã xây dựng được quy ước, hương ước và cam kết đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh, trật tự xóm, bản khu vực biên giới. Thành lập 252 tổ nòng cốt tự quản đường biên, cột mốc. Quần chúng phát hiện, cung cấp cho lực lượng BĐBP 6.748 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Tham gia tuần tra, tu sửa, phát quang đường tuần tra biên giới 6.489 lần/24.091 lượt người. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các đồn Biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng xử lý 169 vụ, phá nhổ 16.035 m2 hoa màu…

Với những thành tích và kết quả đạt được, đến nay đã có 47 tập thể, 115 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen; 148 cá nhân được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Kỷ niệm chương; 285 tập thể, 427 cá nhân được Bộ Chỉ huy BĐBP và UBND các huyện biên giới tặng giấy khen.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm