Sau khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cần cù lao động, quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu. Các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Nghĩa tình đồng đội, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa… đã trở thành “đòn bẩy” giúp cựu chiến binh có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Năm 1995, cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành (sinh năm 1963) cùng gia đình rời quê nhà từ huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vào thôn 7, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk sinh sống. Ngày ấy, cuộc sống rất khó khăn khi vợ chồng ông không có vốn sản xuất, bốn đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Năm 1996, với số vốn 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng ông đầu tư chăn nuôi bò. Sau đó, gia đình được tạo điều kiện vay thêm 32 triệu đồng từ Chương trình cho vay nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn để mở rộng chăn nuôi bò và dê, mua thêm đất phát triển mô hình đa cây. Đến nay, với 2,5 ha rẫy trồng cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả cùng 19 con bò, 38 con dê, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ, từ nguồn vốn vay ban đầu, gia đình ông tính toán hợp lý để đầu tư vào chăn nuôi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chi tiêu hợp lý và tạo vòng tuần hoàn để hỗ trợ cho mô hình trồng trọt. Nhờ đó, gia đình ông đã sắm sửa được phương tiện đi lại, cuộc sống ổn định, ấm no.
Ông Đoàn Văn Đinh, Trưởng thôn 7, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cho biết, địa phương có 56 cựu chiến binh. Trước đây, nhiều cựu chiến binh có cuộc sống khó khăn. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều người đã đầu tư nhỏ mang lại hiệu quả lớn, sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Hiện nhiều gia đình cựu chiến binh có cuộc sống khá giả, gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.
Gia đình cựu chiến binh Võ Văn Nhâm (thôn 9, xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những điển hình vươn lên làm kinh tế giỏi từ nguồn vốn vay Quỹ Nghĩa tình đồng đội. Từ nguồn vốn vay 6 triệu đồng, ông đầu tư, mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn, ông đã cùng hội viên thường xuyên tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, tìm hiểu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào mô hình của gia đình. Với 4 ha cây trồng đủ loại như: sầu riêng, bơ, cà phê, hồ tiêu… và đàn hươu sao, gia đình ông thu nhập khoảng 600 triệu đồng mỗi năm.
Theo cựu chiến binh Võ Văn Nhâm, gia đình ông trồng đa cây, lấy ngắn nuôi dài và chọn nuôi hươu sao vì ít bệnh tật, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Từ sự cần cù của bản thân, bốn người con của ông đều học hành thành tài, có việc làm ổn định.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn nay, cựu chiến binh Trịnh Văn Mẫn, thôn 1, xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, ông Mẫn được vay 50 triệu đồng không lãi suất từ Quỹ Vì đồng đội của Hội Cựu chiến binh thành phố. Cùng với khoản tích góp của gia đình, ông đầu tư trồng cà chua Nova trong nhà màng, diện tích 1.000 m2. Đến nay, vườn cà chua phát triển mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 50.900 hội viên cựu chiến binh. Xác định làm kinh tế là mục tiêu, nhiệm vụ để xây dựng quê hương giàu đẹp, Hội Cựu chiến binh tỉnh đang triển khai 39 mô hình phát triển kinh tế cho hội viên như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong mật, trồng cây công nghiệp xen cây ăn quả… Hiện dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội do các cấp Hội Cựu chiến binh ủy thác là hơn 1.080 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,05%. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã huy động hơn 9,7 tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để sửa chữa, nâng cấp 59 căn nhà, xây mới 52 căn nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cho biết, công tác chăm lo cho người có công luôn được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn chú trọng thực hiện. Hiện nay, hơn 99% gia đình cựu chiến binh không còn thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú, có cuộc sống ổn định. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phân loại đối tượng người có công không còn khả năng lao động và người có công còn lao động được để có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp.
Phát huy ý chí kiên cường của người lính cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đã dám nghĩ, dám làm, cần cù, tiết kiệm, tìm tòi các mô hình kinh tế hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ nguồn vốn vay ban đầu, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tạo việc làm cho lao động tại chỗ, cùng địa phương xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hoài Thu