Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, cây kiểng đang được đẩy mạnh tại Bến Tre. Nông dân từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất, sử dụng giống nuôi cấy mô đạt hiệu quả cao thay thế cho giống mua trôi nổi ngoài thị trường. Từ đó, góp phần thực hiện định hướng phát triển cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.
Đây là năm thứ hai anh Trịnh Minh Thống, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách lựa chọn giống cúc mâm xôi nuôi cấy mô để sản xuất vào dịp Tết. Hiện tại, cây phát triển tốt, đã có thương lái đến đặt hàng thu mua toàn bộ vườn hoa cúc mâm xôi dù còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết.
Vui mừng vì vụ hoa tết năm nay cầm chắc lợi nhuận hơn 50%, anh Thống cho hay, vụ hoa tết Giáp Thìn (2024) đã được Trung tâm Giống và hoa kiểng tỉnh Bến Tre giới thiệu cây con cúc mâm xôi nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Lúc đầu còn e ngại do lần đầu tiên trồng cây con từ phương pháp nuôi cấy mô không phải phương pháp giâm cành truyền thống. Tuy nhiên sau thời gian trồng cúc mâm xôi nuôi cấy mô phát triển tốt, hoa ra đẹp đạt chất lượng, 500 chậu cúc mâm xôi được thương lái đặt mua trước Tết. Do đó, năm nay anh Thống mạnh dạn đặt 2.000 cây con giống để sản xuất và giới thiệu người thân trong gia đình đặt mua sản xuất thử trong dịp Tết Quý Tỵ 2025.
Theo anh Thống, sử dụng giống nuôi cấy mô mang lại hiệu quả rất lớn bởi cây ít bị lây nhiễm bệnh, chi phí chăm sóc (phân bón, thuốc trừ sâu bệnh) giảm từ 30-40%, đặc biệt nỗi lo lơn nhất của nông dân cúc mâm xôi không ra hoa đúng thời điểm, hoa nở không đều, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như giá thành sản phẩm.
Nhược điểm của cây giống cúc mâm xôi giâm cành theo cách truyền thống lượng hao hụt rất lớn, từ 15-20%, cây nhiểm bệnh từ cây bố mẹ khi giâm cành sang làm cho cây không đạt chất lượng, tốn chi phí thuốc trừ sâu bệnh do cây dễ bị kho héo lá chân dẫn đến hoa nở không đẹp... Trong khi đó, cây giống cúc nuôi cấy mô khắc phục nhược điểm cây giống giâm cành, tỷ lệ hao hụt thấp từ 2-5%, ít phân thuốc (giảm chi phí tăng lợi nhuận).
Anh Thống chia sẻ, hiện nay xung quanh do sử dụng giống không đảm bảo, cây không phân nhánh, không tạo mầm hoa. Điều này càng làm cho anh Thống tin tưởng vào hiệu quả cây giống nuôi cấy mô. Mặt khác, tất cả cúc mâm xôi đã được thương lái đặt cọc thu mua với giá 180.000 đồng/cặp, cao hơn năm trước 10.000 đồng/cặp. Anh Thống vui mừng vì sản phẩm làm ra đạt hiệu quả, lợi nhuận tăng cao nên năm tới sẽ tiếp tục đặt hàng 5.000 cây con cúc mâm xôi nuôi cấy mô từ Trung tâm Giống và hoa kiểng tỉnh Bến Tre để sản xuất vào dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thu, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho hay, vụ hoa tết năm nay chị Thu lấy thử 300 chậu cúc mâm xôi giống nuôi cấy mô để trồng thử nghiệm bên cạnh giống cúc mâm xôi giâm cành truyền thống để có sự so sánh. Theo chi Thu, do chưa am hiểu về giống nuôi cấy mô nên lo lắng. Sau khi trồng nhận thấy giống cúc nuôi cấy mô đạt hiệu quả hơn, cây phát triển tốt. Chi phí phân thuốc giảm gần phân nữa so với trồng giống truyền thống.
Chị Thu chia sẻ, hiện nay giống cúc nuôi cấy mô đã được thương lái đặt hàng, còn giống truyền thống thương lái còn phải chờ khi cây gần ra hoa mới quyết định mua. Thời gian tới chị Thu đã đặt hàng giống cây nuôi cấy mô vì bước đầu mang lại hiệu quả rất lớn.
Theo Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre Nguyễn Quốc Trung, vụ hoa kiểng Tết năm 2025, Trung tâm chuyển giao hơn 10.000 sản phẩm giống hoa kiểng cho người dân trồng phục vụ Tết Nguyên đán, chủ yếu là giống cúc mâm xôi nuôi cấy mô. Hiện nay, các sản phẩm người dân trồng phát triển tốt, đạt hiệu quả cao. Trung tâm đang từng bước hướng dẫn người dân trồng hoa thay đổi tập quán sản xuất, sử dụng giống hoa đạt chất lượng. Khi đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây so với sử dụng giống giâm cành theo cách truyền thống.
Bên cạnh đó, Trung tâm Giống, hoa kiểng tỉnh Bến Tre đang thực hiện Đề án Phát triển Cây giống và Hoa kiểng Chợ Lách mang tầm Quốc gia. Sau 2 năm triển khai thực hiện đề án bước đầu đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây giống, hoa kiểng thực hiện liên kết chuỗi giá trị.
Đến nay đã xây dựng đạt 2.105,93 ha diện tích sản xuất cây giống hoa kiểng tập trung thuộc 3 xã Phú Sơn (633,23 ha), Long Thới (585 ha) và Vĩnh Thành (887,7 ha). Về liên kết chuỗi giá trị, có 14 hợp tác xã và 35 tổ hợp tác, làng nghề sản xuất cây giống hoa kiểng tham gia liên kết chuỗi giá trị. Các hợp tác xã, tổ hợp tác và làng nghề tạo liên kết chủ yếu là liên kết đầu vào (nguồn mắt ghép, cành ghép, gốc ghép, giá thể,…).
Cùng với đó, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh đã phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về vai trò của cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và các quy định của pháp luật trong sản xuất giống cây trồng. Xây dựng, thẩm định và ban hành 15 quy trình sản xuất cây giống, hoa kiểng chủ lực trong tỉnh; trong đó, có 10 quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống và 05 quy trình kỹ thuật sản xuất hoa kiểng; nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu trên 4 nhóm cây kiểng hoa; dược liệu; cây ăn trái ngắn ngày và cây dừa…
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống là hướng đi tất yếu trong thời điểm hiện nay, nhất là trong sản xuất hoa kiểng.
Theo ông Đức, tập quán sản xuất của người dân trước đây khi sản xuất người dân sẽ chọn lọc các sản phẩm chất lượng để làm giống cho vụ sau. Tuy nhiên nếu làm theo cách này, giống sẽ bị thoái hóa, sâu bệnh sẽ truyền từ cây mẹ sang cây con dẫn đến sản xuất không đạt hiệu quả (tốn chi phí trong canh tác).
Đơn cử năm nay Bến Tre có hơn 145.000 chậu cúc mâm xôi của người dân không phân nhánh, ra mầm hoa do người dân sử dụng giống không đảm bảo từ phương pháp giâm cành truyền thống. Do đó, ngành chức năng đã khuyến cáo và tổ chức hội thảo nhằm từng bước hướng người dân thay đổi tập quán sản xuất để mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Huỳnh Phúc Hậu