Từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết ở nước ta chủ yếu ở phía Nam, chiếm 80% số ca mắc của cả nước và 100% số ca tử vong với 36 trường hợp tử vong tại bệnh viện do tình trạng nặng. Đáng chú ý, số ca mắc, tử vong tăng rất nhanh trong 4 tuần gần đây. Chuyên gia nhận định, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước, nhưng vẫn chưa đạt đỉnh dịch.
100% số ca tử vong do sốt xuất huyết là ở các tỉnh miền Nam
Dịch sốt xuất huyết tăng cao ở khu vực phía Nam với gần 40.000 ca mắc, trong đó có 1.193 ca nặng và 36 ca tử vong tính từ đầu năm 2022 đến nay.
Theo bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, số ca sốt xuất huyết tăng nhanh trong 4 tuần trở lại đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% ca tử vong tích lũy từ đầu năm đến nay.
Các tỉnh, thành phố có số ca mắc tăng cao là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương… Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương mỗi nơi có 8 ca tử vong do sốt xuất huyết, Đồng Nai 5 ca, Tây Ninh 5 ca. Bác sĩ Lương Chấn Quang nhận định, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước, nhưng vẫn chưa đạt đỉnh dịch.
Đặc biệt, sốt xuất huyết tăng cao tại miền Tây, có nơi tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Như ở An Giang tính đến ngày 5/6 là gần 4.500 ca, tăng 387% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 251% so với số ca của trung bình 5 năm (2016-2020). Trong đó báo động tại thị xã Tân Châu tăng hơn 1.000% và huyện An Phú tăng gần 1.000% so với cùng kỳ. Hiện chưa có ca tử vong. Theo ông Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang, số ca mắc sốt xuất huyết tăng theo chu kỳ 4 năm một lần, cùng với một số yếu tố như: thời tiết thay đổi, độ ẩm và nhiệt độ quá cao, mùa mưa đến sớm. Mặt khác, do thời gian dài chống dịch COVID-19 nên vệ sinh môi trường không được đảm bảo cũng góp phần làm gia tăng dịch bệnh.
Tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và công tác phòng chống sốt xuất huyết khu vực miền Nam do Bộ Y tế tổ chức chiều nay (13/6) tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, cả nước có 50.000 ca mắc sốt xuất huyết, miền Nam chiếm 89% số ca mắc. Theo bà Hương, hiện nay đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết, do mùa mưa là điều kiện hết sức thuận lợi cho muỗi phát triển.
Trong khi đó, nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy/lăng quăng còn chưa cao; tình trạng di biến động dân cư, giao lưu giữa các vùng, miền liên tục tăng; có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị đang trong quá trình xây dựng; thói quen tích trữ nước trong các lu, khạp của người dân... là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và bệnh sốt xuất huyết lan rộng.
Về nguyên nhân tử vong gia tăng, theo Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế là do người dân còn khá chủ quan, khi hết sốt thì sang giai đoạn nguy hiểm nhưng người nhà thường bỏ qua. Bệnh nhân vào viện muộn, chuyển lên tuyến trên cũng muộn.
Là địa phương có số ca mắc cao nhất khu vực phía Nam, theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 2 năm qua, địa phương phải tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, do đó đã nảy sinh tâm lý chủ quan với sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, thời gian qua có tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, luân chuyển công tác, những người mới thay thế chưa nắm bắt được địa bàn cũng như cách thức tổ chức phòng dịch. Ngoài ra, hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp để dịch bệnh lây lan, bùng phát theo Nghị định 117 của Chính phủ tại các địa phương vẫn chưa được “mạnh tay".
Cùng chung khó khăn, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay, thiếu nhân sự làm công tác phòng, chống dịch bệnh tại các trạm y tế xã cũng là lý do khiến sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn. Theo đại diện Sở Y tế Bình Dương, chỉ trong quý 1/2022, có gần 300 nhân sự trạm y tế xin nghỉ việc, hiện địa phương vẫn thiếu hơn 550 nhân sự tại các trạm y tế xã. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhưng từ đầu năm đến nay Bình Dương ghi nhận 4.200 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 8 trường hợp tử vong.
Ghi nhận những khó khăn của các địa phương trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tế chia sẻ, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, ngành y tế các tỉnh, thành phố phía Nam gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất các tỉnh, thành phố phía Nam trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như dịch COVID-19.
Liên quan đến công tác phòng chống sốt xuất huyết, Thứ trưởng Liên Hương cho hay, cần phải có sự tham mưu đề UBND tỉnh, thành ủy vào cuộc. Theo đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí cũng như nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống sốt suất huyết, tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông giám sát xử lý ổ dịch, chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng bọ gậy tại cộng đồng, hiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động...
Ngành y tế cũng cần tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh của từng địa phương cũng như người dân.
Ngoài ra, y tế địa phương cũng cần thực hiện tốt việc điều trị, tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân kịp thời điều trị các trường hợp mắc sốt xuất huyết, hạn chế tối đa số ca tử vong.
Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh
- Về sốt xuất huyết
Cho đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh thường gây dịch lớn với nhiều người mắc cùng một lúc khiến công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em. Hơn 85% các ca mắc sốt xuất huyết dengue và 90% trường hợp tử vong xảy ra ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Trong đó, 90% các ca tử vong do sốt xuất huyết là dưới 15 tuổi.
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh ở Việt Nam và luân phiên gây ra dịch bệnh. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng tuýp riêng lẻ, vì vậy có thể hiểu rằng: một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.
- Phân loại các mức độ của sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ (Theo Tổ chức Y tế Thế - WHO năm 2009): Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng (Sốc sốt xuất huyết Dengue).
- Dấu hiệu nhận diện từng mức độ sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Cần lưu ý giai đoạn sốt tương ứng với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue thông thường, nếu đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm tức là đã chuyển qua mức độ của thể bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Khi đó cần phải cho bệnh nhân nhập viện ngay vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
+ Giai đoạn sốt
Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết; chán ăn, buồn nôn; Đau cơ, đau khớp...
+ Giai đoạn nguy hiểm
Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Nhiệt độ giảm không nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo và tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng.
Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ); tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 25 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như: Tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng (nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng).
Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.
Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng (đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp), cần phải cấp cứu nhanh chóng.
Ngứa khi sốt xuất huyết
Xuất huyết dưới da thường xuất hiện trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh
+ Giai đoạn hồi phục
Khoảng 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 48-72 giờ.
Bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều.
Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.
Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức cho bệnh nhân có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.
Phương Phương (tổng hợp)