Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La đã làm tốt việc ủy thác vay vốn, trở thành điểm tựa tin cậy của hội viên phụ nữ. Từ nguồn vốn này, các chị em đã có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh..., vươn lên phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo trong toàn tỉnh.
Để nguồn vốn đến tay người dân nhanh chóng, kịp thời, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch các huyện, thành phố khắc phục khó khăn, tăng cường đến cơ sở để khảo sát, đánh giá nhu cầu vay vốn. Đồng thời, tích cực phối hợp với Hội Phụ nữ quan tâm, tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, để đồng vốn phát huy hiệu quả, mang lại sinh lời cho các hộ vay vốn, nhất là với hộ nghèo, hộ sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ chưa có việc làm ổn định… Vì vậy, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố không chỉ đơn thuần là giải ngân cho vay, mà còn tích cực phối hợp với ban, ngành, đoàn thể phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ vay vốn tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù tại địa phương để hội viên phụ nữ học tập, làm theo, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La Tạ Văn Toàn cho biết, sự phối hợp giữa Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sơn La và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng. Trong quá trình triển khai, hai đơn vị luôn quan tâm và tập trung cao độ các nguồn vốn chính sách cho nhóm vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo các nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo và một số nhóm đối tượng chính sách khác có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn vay nhằm tạo sinh kế cho người dân.
Qua việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã xây dựng và hình thành nên các mô hình phát triển kinh tế, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để mang lại hiệu quả cao hơn; đã có rất nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên hội phụ nữ.
Đến nay, tổng dư nợ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La thông qua tổ chức Hội Phụ nữ trong tỉnh đạt hơn 1.454 tỷ đồng, cho trên 31.600 hộ hội viên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình…
Năm 2018, chị Hoàng Thị Thi ở bản Mo, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cùng với vốn tích lũy của gia đình, chị đã đầu tư nuôi bò sinh sản và mở rộng phát triển trồng cây ăn quả. Mô hình của chị Thi đã và đang cho thu nhập cao.
Chị Thi chia sẻ, sau khi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách, chị đã mua 7 con bò để nuôi sinh sản và phát triển trồng, chăm sóc gần 1ha nhãn, xoài. Đến nay, gia đình chị Thi thu được 100 triệu đồng từ tiền bán bò; từ 70-80 triệu đồng/năm từ tiền bán xoài, nhãn. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị Thi ngày càng phát triển hơn.
Hay như gia đình chị Lường Thị Thảo ở bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La sau khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Thảo đã đầu tư mua 6 con bò giống về nuôi. Từ đó, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định và tiền tích lũy để trồng, chăm sóc, phát triển, mở rộng vườn cây, ao cá.
Chị Thảo cho hay, gia đình chị có diện tích đất đồi, nương nhiều, do đó, chị đã quyết định vay vốn tín dụng chính sách để mở hướng phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi bò. Hiện nay, đàn bò của gia đình chị Thảo đã sinh sản được 8 con, bán với giá hơn 10 triệu đồng/con.
Với số tiền tích lũy được từ bán bò, chị Thảo mua cá giống về nuôi và chăm sóc khoảng 2 ha cây ăn quả. Năm 2023, diện tích cây ăn quả và ao cá sẽ cho thu hoạch, thu nhập sẽ ngày càng tăng thêm, kinh tế gia đình không còn khó khăn như trước.
Để tiếp tục làm điểm tựa vững chắc giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững, trong thời gian tới, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cán bộ, hội viên tích cực thực hiện các chương trình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; phối hợp các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề, tạo việc làm; vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ sẽ phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La làm tốt hơn nữa việc ủy thác cho vay vốn tín dụng, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Thông qua hoạt động ủy thác cho vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tăng cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quang Quyết