Sớm bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ Đông

Sớm bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ Đông

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương các tỉnh phía Bắc chủ động tiêu thoát nước sớm, thu hoạch nhanh, gọn lúa Hè Thu, Mùa sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; sớm bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ Đông.

Với dạng hình thời tiết theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhiệt độ mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, định hướng của ngành nông nghiệp là nhóm cây ưa ấm nên bố trí với tỷ lệ khoảng 50%; nhóm cây ưa lạnh khoảng 50%.

Với nhóm cây ưa ấm, cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng càng sớm càng tốt, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10. Với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 15/10, bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động nhằm hạn chế thu hoạch số lượng lớn sản phẩm trong một thời điểm gây dư thừa, rớt giá. Đồng thời, tránh ảnh hưởng đến kế hoạch lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân 2023-2024.

Theo đó, nhóm cây ưa ấm như: ngô, khoai lang, dưa hấu, dưa chuột, bầu bí, đậu tương, lạc… cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp và áp dụng giải pháp kỹ thuật làm bầu, ươm cây con, xen vụ để đảm bảo thời vụ.

Chẳng hạn ngô lấy hạt trà muộn phải gieo trước 5/10 trên đất hai vụ lúa. Ngô nếp, ngô đường, ngô rau, thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi là chính nên thời vụ gieo trồng có thể muộn hơn đến 15 - 20/10 để tận dụng tối đa diện tích và thời vụ để gieo trồng.

Cây đậu tương cần kết thúc gieo trước ngày 5/10. Trong sản xuất đậu tương Đông trên đất hai vụ lúa, thực hiện triệt để phương châm "gặt đến đâu, trồng đậu tương đến đó; trồng càng sớm, năng suất càng cao”. Cây khoai lang là cây yêu cầu thời vụ nghiêm ngặt nên trồng càng sớm càng tốt, thời vụ trồng kết thúc trước 10/10, Cục Trồng trọt khuyến cáo.

Nhóm cây ưa lạnh như khoai tây, rau đậu ưa lạnh. Chẳng hạn khoai tây có thời vụ tập trung từ 15/10-20/11, tốt nhất 25/10-15/11, không nên trồng muộn vì thiếu ánh sáng, nhiệt độ quá thấp, âm u mưa phùn làm bệnh hại phát triển, tích lũy về củ chậm, làm ảnh hưởng đến năng suất.

Vụ Đông 2023, Cục Trồng trọt đặt mục tiêu ổn định khoảng 380.000 ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn; tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Tổng giá trị sản xuất đạt trên 40 nghìn tỷ đồng (giá tại thời điểm). Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 110 triệu đồng/ha. Các địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế về thị trường, tăng tối đa diện tích nếu có thể như: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa...

Để sản xuất vụ Đông 2023 đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần sớm chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách mới, phù hợp điều kiện cụ thể để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây vụ Đông.

Cùng đó, tập trung vào hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tưới tiêu, sản xuất theo hướng an toàn...

Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng vụ Đông nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất vụ Đông.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm