Sóc Trăng: Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu thực chất

Tỉnh Sóc Trăng đang tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 5 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

 

Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên. Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Sóc Trăng đã “quyết liệt, chủ động và sáng tạo” trong cách làm. Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, cụ thể hóa mạnh mẽ nguyên tắc người dân là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đưa xây dựng nông thôn mới thành “phong trào nhận thức và hành động xã hội” rộng rãi, thường xuyên.

Thị xã Vĩnh Châu là một trong 3 đơn vị cấp huyện của tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước năm 2022. Mặc dù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó riêng đồng bào Khmer đã chiếm hơn 52% dân số nhưng bằng quyết tâm cao của các cấp chính quyền địa phương, Vĩnh Châu đã nhanh chóng trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, nhờ quan tâm của lãnh đạo, các cấp, ngành tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của địa phương mà việc thực hiện đạt hiệu quả rất cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 1,3%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%...

Soc Trang: Xay dung nong thon moi di vao chieu sau thuc chat hinh anh 1Một trường học khang trang ở xã nông thôn mới Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: cand.com.vn

Mỹ Xuyên cũng là huyện có đông đồng bào Khmer. Từ năm 2011, tỉnh chọn Mỹ Xuyên làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới. Huyện đề ra chương trình thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là sự tham gia tích cực của nhân dân, năm 2019 huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… của huyện cơ bản hoàn chỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh huy động được trên 9.862 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước trên 1.309 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng lồng ghép trên 4.526,5 tỷ đồng, vốn tín dụng là 3.844,9 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp trên 334,5 tỷ đồng và vốn dân góp là 638,5 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 70 xã và 5 đơn vị huyện, thị xã đạt nông thôn mới, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay tỉnh đang làm quyết liệt, đã ban hành 6 Kế hoạch thực hiện các Chương trình chuyên đề thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh và Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn… Với quyết tâm đó, Chương trình sẽ sớm đạt mục tiêu và đang chuyển hóa, nâng cao dần về thực chất, hiệu quả hơn.

Trung Hiếu

Tin liên quan

Sóc Trăng đẩy nhanh xuống giống vụ Hè Thu, hạn chế rủi ro cuối vụ

Nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ Hè Thu 2023. Để giúp nông dân đạt hiệu quả, ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế rủi ro do ảnh hưởng hạn mặn, dịch hại và mưa bão làm đổ ngã ảnh hưởng đến năng suất ở cuối vụ.


Giá tăng, nông dân trồng mía Sóc Trăng có lợi nhuận cao

Nông dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ mía chính vụ 2022-2023. Hiện nông dân đang phấn khởi về giá bán, năng suất và tiêu thụ thuận lợi.


Sóc Trăng phát triển ngành nghề nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Tại Sóc Trăng, ngành nghề nông thôn phát triển rất phong phú, đa dạng với 27 ngành nghề được phân bố rải rác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân.



Đề xuất