Sóc Trăng huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhờ hệ thống lót bạt trữ nước ngọt, nên các vườn nhãn của nông dân huyện đảo Cù Lao Dung vẫn trĩu quả. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN
Nhờ hệ thống lót bạt trữ nước ngọt, nên các vườn nhãn của nông dân huyện đảo Cù Lao Dung vẫn trĩu quả. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba khâu đột phá chiến lược mà Sóc Trăng đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.789 tỷ đồng.

Sóc Trăng huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1 Nhờ hệ thống lót bạt trữ nước ngọt, nên các vườn nhãn của nông dân huyện đảo Cù Lao Dung vẫn trĩu quả. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Tỉnh Sóc Trăng tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh như: Dự án đầu tư tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa; đầu tư xây dựng tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh-quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề (mỗi công trình có tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng); đầu tư hạ tầng kết nối các khu, cụm công nghiệp, các điểm du lịch. Sóc Trăng đã đầu tư 470 km đường tỉnh, đường huyện; 1.528 km đường giao thông nông thôn.

Tỉnh đã đầu tư hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất gắn với phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, tỉnh hoàn thành đầu tư dự án đê biển từ cầu Mỹ Thanh 2 đến khu vực ấp Trà Sết, thị xã Vĩnh Châu; Dự án tái cơ cấu sản xuất phòng chống, giảm nhẹ thiên tai vùng sản xuất hành tím của đồng bào Khmer, thị xã Vĩnh Châu... với tổng chiều dài 129 km; Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, huyện Cù Lao Dung, Lai Hòa - Vĩnh Tân, Vĩnh Phước - Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu); Dự án Hệ thống ngăn mặn ổn định sản xuất khu vực bờ tả sông Saintart với tổng chiều dài 610 km. Tỉnh Thực hiện công tác thủy lợi nội đồng kết hợp với đường giao thông nông thôn kết hợp được 3.351 công trình, tổng chiều dài gần 4.000 km.

5 năm qua, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 191 km đường dây điện 110KV, 1.800km đường dây trung thế và 2.422 km đường dây hạ thế với tổng kinh phí 1.600 tỷ đồng; điện hóa cho 85.000 hộ dân, nâng tổng số hộ có điện sử dụng lên 366.420 hộ, đạt tỷ lệ hộ có điện trên 98%, bảo đảm cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất.

Về xây dựng nông thôn mới, Sóc Trăng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cơ sở, phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn. Tổng vốn ngân sách bố trí phát triển hạ tầng nông thôn 2 năm trở lại đây đạt gần 400 tỷ đồng, thực hiện hơn 300 công trình giao thông, 3 công trình thủy lợi, 15 công trình trường học, trên 30 công trình cơ sở vật chất văn hóa, công trình nước sạch và một số công trình khác, lồng ghép các nguồn vốn với tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng (như vốn thủy lợi phí, hỗ trợ đất lúa, phát triển giao thông nông thôn, giáo dục…) để thúc đẩy quá trình hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.

Hầu hết các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được ưu tiên tập trung phát triển vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, hỗ trợ đời sống người dân tộc Khmer vùng ven biển, vùng nông thôn về sinh kế, điều kiện canh tác sản xuất, hỗ trợ về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe nhân dân, điện, nước sinh hoạt... Nhờ vậy, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có trên 52% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống người dân được cải thiện nhanh chóng, nhất là trong đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn dưới 8%.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm