Xã miền núi huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Từ năm 2016 đến tháng 11/2018, thông qua Chương trình 30a, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Nghệ An đã hoàn thiện được 28 công trình hạ tầng, duy tu bảo dưỡng 15 công trình. Qua Chương trình 135, tỉnh cũng đưa vào sử dụng hiệu quả 2.203 công trình; trong đó có 921 công trình giao thông, 157 công trình thủy lợi và nước sạch, 12 công trình điện, 28 công trình y tế, 410 trường lớp học, 662 công trình nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng, 13 công trình khác tại vùng miền núi và dân tộc thiểu số.
Ngoài nguồn vốn từ những chương trình trên, Nghệ An còn huy động các nguồn vốn khác để thực hiện một số công trình hạ tầng quan trọng như: tuyến đường miền Tây Nghệ An; hồ Sông Sào; đưa điện lưới quốc gia về trung tâm các xã chưa có điện lưới quốc gia; xây dựng được trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2 cùng 2 trường THPT dân tộc bán trú và 6 trường THCS nội trú; xây dựng Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, Bệnh viện đã khoa huyện Tương Dương…
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Nghệ An chiếm trên 83% diện tích của tỉnh, dân số chiếm 41%. Tại những vùng này, tuy đã được quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng những vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hạ tầng còn thiếu, nhất là đường giao thông, trường lớp học, nước sạch, y tế… Hiện vẫn còn 35 thôn bản chưa có đường điện lưới quốc gia, đường ô tô không vào đến nơi; một số trung tâm xã đường ô tô chỉ đến được vào mùa khô.
Khắc phục tình trạng này, Nghệ An sẽ tập trung nguồn lực, lồng ghép tốt các chương trình, phát huy sức mạnh và đóng góp của người dân trên địa bàn để xây dựng thêm công trình hạ tầng thiết yếu; tranh thủ huy động vốn từ các chương trình mục tiêu đầu tư giảm nghèo của Trung ương; ưu tiên bố trí đầu tư cho những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện khó khăn. Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng định mức hỗ trợ cho Chương trình 135 giai đoạn 2018 – 2020 để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo quy định của Chính phủ về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn phải tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư từng dự án. Tuy nhiên, thực tế triển khai các chương trình dự án trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An, nếu áp dụng quy định này sẽ khó hoàn thành dự án để phát huy hiệu quả theo mục tiêu đã đề ra. Do vậy, tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh theo hướng bãi bỏ quy định này đối với các công trình thực hiện từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Nguyễn Văn Nhật