Sóc Trăng: Chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số góp phần giảm hộ nghèo còn 2,54%

Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm hạ nguồn sông Hậu. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc (8 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố) với 109 xã, phường, thị trấn và 775 khóm, ấp. Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,44% dân số của tỉnh. Tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer là 30,19%; dân tộc Hoa chiếm 5,22%; còn lại 25 dân tộc khác. Hiện toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành Trung ương, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn do Trung ương ban hành đảm bảo kịp thời. Tỉnh đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Trần Khắc Trung, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, đến nay có 15/24 mục tiêu và 16/40 chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt so với Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, các chỉ tiêu còn lại phấn đấu đảm bảo thực hiện đúng lộ trình hàng năm và dự kiến đến năm 2025 thực hiện đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

vna_potal_doi_thay_tu_chuong_trinh_xay_dung_nong_thon_moi_tren_vung_dat_cu_lao_dung_7511855.jpg
Đến cuối năm 2023 thu nhập người dân huyện Cù Lao Dung đạt 62,39 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,35%, tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều giảm còn 2,23%. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Tính chung, từ năm 2022 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả tổng nguồn vốn Trung ương đầu tư trên 915 tỷ đồng và gần 97 tỷ đồng vốn từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã triển khai ở nhiều lĩnh vực dự án như hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ba năm qua, tính đến nay đã giải ngân gần 190 tỷ đồng, giúp nhiều hộ nghèo khó có nhà, có đất sản xuất và nước sạch sinh hoạt.

Hay dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, ngân sách đã giao trên 63 tỷ đồng, nay đã giải ngân hơn 27 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tạo sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao…

Ông Sơn Thal, người dân tộc Khmer ở ấp Phônôcambôth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên trước đây khó khăn nay đã thoát nghèo. Ông chia sẻ: Hơn chục năm trước, ông được Nhà nước hỗ trợ một con bò giống từ Chương trình 135. Đến nay, ông phát triển đàn bò được 16 con, đã bán 5 con lấy tiền cất nhà mới, ông còn chia bò giống cho các con để phát triển đàn lên, nay con ông cũng có đàn bó tới 6 con, kinh tế bớt khó khăn. Nhờ nuôi bò thịt mà gia đình ông đã thoát nghèo, có tiền chuộc 4 công đất (4.000 mét vuông) và mua thêm được 4 công đất làm ruộng kết hợp trồng cỏ nuôi bò.

Cũng theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển kinh tế có hiệu quả, đời sống được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,54% (tương đương chỉ còn 8.500 hộ nghèo) vào cuối năm 2023./.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm