Sình Ca - nét đẹp văn hóa kết nối cộng đồng của người Sán Chỉ

Sình Ca - nét đẹp văn hóa kết nối cộng đồng của người Sán Chỉ
Hát đối thử thách lấy dâu của người Sán Chỉ ở xã Hưng Đạo (Bảo Lạc)
Hát đối thử thách lấy dâu của người Sán Chỉ ở xã Hưng Đạo (Bảo Lạc)
Dân ca hay còn gọi là “Sình Ca” Sán Chỉ có từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng với người Sán Chỉ ở xã Hưng Đạo (Bảo Lạc - Cao Bằng), từ thế hệ này sang thế hệ khác, người già truyền dạy cho con trẻ, cha mẹ truyền miệng cho con cái lối hát đối đáp nam nữ gần giống như hát ví, hát lượn của người Tày, hát trống quân, hát quan họ của người Việt. Như đã hẹn ước, mỗi độ xuân sang, khắp trong bản người Sán Chỉ vang ngân tiếng hát giao duyên của nam thanh, nữ tú. Tình cảm của nam nữ được thổ lộ chân thật, mộc mạc, gần gũi: 

Ngàn vạn dặm đường trồng tùng bách

Ngàn vạn dặm đường rực rỡ hoa

Ngàn vạn thôn xóm đến tìm em

Lại muốn cùng em kết đôi hoa.


Người Sán Chỉ sử dụng chữ Hán cổ từ ngàn xưa nên có nhiều truyện cổ, thơ ca, hò vè, tục ngữ, ngạn ngữ được ghi chép lại. Đặc biệt nhất phải kể đến lối hát Sình Ca, hình thức sinh hoạt phong phú, hấp dẫn và cũng là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa của người Sán Chỉ. Thể loại hát Sình Ca của người Sán Chỉ với lời hát đối đáp giao duyên, trai gái hát đối nhau hết giờ này sang giờ khác, tưởng chừng như không có hồi kết thúc. Lời hát đối đáp mộc mạc được các chàng trai, cô gái say sưa thể hiện. Hát Sình Ca như ngấm vào máu mỗi chàng trai, cô gái Sán Chỉ. 

Người Tày, Nùng hát sli, hát lượn, người Kinh hát quan họ thường vào dịp lễ, tết. Nhưng với người Sán Chỉ, họ hát ở mọi nơi. Ngày hát, đêm hát, đi đường hát. Đi chợ, đi làm ruộng gặp nhau người Sán Chỉ hát đối đáp. Đến nhà nhau họ hát chào gia chủ, hát gặp bạn hữu, đám cưới hát. Người Sán Chỉ  nhiều khi cất cao lời hát dân ca như yêu cuộc sống thường nhật, một kiểu giao tiếp đậm chất văn hóa. Dân ca Sán Chỉ hấp dẫn người hát, người nghe đến mức mê hoặc. Đây là cách để người Sán Chỉ bày tỏ tình cảm của mình với nhau. Hình thức hát được người Sán Chỉ thể hiện mộc mạc, không cần nhạc cụ nên có thể hát bất cứ lúc nào. Lời bài hát là những gì diễn ra liên quan tới chính họ, tới cuộc sống nên họ vô cùng thích thú. Phải nói rằng đây là hình thức giao tiếp bằng âm nhạc đặc sắc, ít có dân tộc nào có được. Anh Đặng Văn Goành, giọng ca có tiếng ở xã Hưng Đạo cho biết: Ngày xưa các cụ biết hát truyền lại cho tất cả con cháu nên ai cũng đều biết hát. Vậy nên người nào chịu khó học hỏi, chịu khó ghi chép, tập luyện thì hát được như kiểu học thuộc lòng, nên đến lúc đi hát thì cứ hát.

Theo thông lệ, những buổi hát Sình Ca thường kéo dài, số bài hát khoảng từ 700 - 1.000 bài có sẵn. Người hát đòi hỏi phải giỏi đối đáp và tập trung cao độ vì nếu chỉ hát sai một chữ, hay một vần thì không thể hát tiếp được, bài hát không được trùng lặp; đêm hôm sau không được hát lại những bài đêm trước đã hát. 

Vào các đêm hát, người Sán Chỉ thường hát từ khoảng 7 - 8 giờ tối đến sáng hôm sau. Những người tham gia được chia thành hai nhóm nam và nữ, hát theo lối đối đáp. Mỗi đội có một nhóm trưởng đại diện, là người hát hay, đối giỏi. Tất cả các thành viên phải là người chưa xây dựng gia đình, không cùng huyết thống. Trong những buổi hát đối có tính nghi lễ như đám ma, đám cưới người hát có thể dùng sách có ghi cổ ngữ để chọn bài hát phù hợp. Người Sán Chỉ quan niệm, hát Sình Ca là lối hát giao duyên, kết tình yêu đôi lứa nên những người có gia đình không được tham gia. Muốn tham gia thì chỉ được hát trong ngày hội xuân, chúc Tết hay trong đám cưới. Anh Triệu Văn Chuốn, ở Khuổi Tặc, Hưng Đạo cho biết: Xưa nay thanh niên nam, nữ đi chơi ngày lễ, những người đi chơi làng khác thì hát để tìm hiểu nhau. Đây chính là mối giao duyên giữa đôi lứa để từ đó có thể thành đôi. Ở Hưng Đạo ngày nay, người Sán Chỉ chỉ có một bản, muốn tìm bạn hát mới, đôi khi phải đi bộ hơn 20 km để qua Lũng Nặm (Bắc Kạn).

Có thể nói, hát Sình Ca là một nét đẹp văn hóa thể hiện sự hài hòa giữa tính nghi lễ và tính sinh hoạt trong đám cưới của người Sán Chỉ. Sau những lần đối đáp giao duyên bên sườn núi, trong những lễ hội hay ngày cưới trong thôn bản, từ những câu Sình Ca đằm thắm, những mối tình đã được nhen nhóm hình thành và đơm hoa kết trái. Đám cưới là điểm đến hạnh phúc đầu tiên của các cặp trai gái người Sán Chỉ khi trải qua một quãng thời gian yêu nhau trong sáng bởi tình yêu đó được kết thành bằng câu hát Sình Ca.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm