Nhã nhạc Cung đình Huế sẽ được trình diễn tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Nằm trong chuỗi hoạt động có chương trình “Hương sắc cố đô” trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập trang phục truyền thống Huế của nhà nghiên cứu, sưu tầm Thái Kim Lan; trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập đạo cụ nhạc khí Cung đình Huế của nhóm Nhã nhạc Phú Xuân và nhóm Đông Kinh Cổ nhạc; giới thiệu, trình diễn giao lưu trang phục áo dài và âm nhạc truyền thống hai miền Bắc – Trung của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy; chương trình giao lưu âm nhạc hai miền Bắc - Trung với chủ đề “Ai vô xứ Huế, Ai ra Bắc thành”; biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế do các nghệ sĩ của Câu lạc bộ Nhã nhạc Cung đình và Ca Huế Phú Xuân phối hợp với các nghệ sĩ thuộc nhóm Đông kinh Cổ nhạc biểu diễn. Chương trình diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ và tuyến phố đi bộ Đào Duy Từ. Thông qua hoạt động này, Ban tổ chức giới thiệu với khán giả Thủ đô và du khách quốc tế những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam được gây dựng và lưu giữ trên đất Huế, những hương sắc của cố đô trong lòng Thủ đô Hà Nội.
Tọa đàm “Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc độ đạo Hiếu” và triển lãm ảnh một số làng nghề gắn với các đình Tổ nghề trong khu Phố cổ Hà Nội diễn ra tại đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc. Bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Khu phố cổ Hà Nội hiện còn lưu giữ danh sách của 59 ngôi đình, chiếm tỷ lệ lớn trong số các công trình tín ngưỡng tôn giáo đã từng có tại đây. Ở khu phố cổ, tín ngưỡng thờ tổ nghề khá đậm nét. Các thợ thủ công ở Thăng Long xưa đều rước các vị Tổ nghề ở quê hương ra kinh đô để thờ vọng, tri ân các bậc tổ sư. Dịp này, Ban quản lý phố cổ phối hợp với dự án “Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt” do thầy Thích Tâm Hiệp cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tổ chức buổi tọa đàm về tục thờ Tổ nghề và triển lãm ảnh một số nghề truyền thống văn với đình Tổ nghề của nhiếp ảnh gia Lê Bích.
Hoạt động văn hóa “Nét nhạc thanh trong lòng phố thị” diễn ra tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây giới thiệu thú chơi tao nhã của người Hà Nội: Thú chơi cây cảnh và chim, giới thiệu văn hóa trà Việt.
Các hoạt động văn hóa chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm bảo tồn các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Qua đó, tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương có các điểm di sản trong cả nước, các tổ chức cá nhân trong việc trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và di sản thế giới./.
Đinh Thuận
TTXVN