Đến với Tây Nguyên, du khách thường được thưởng thức rượu cần, đồ uống không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Phụ nữ trong làng K'giang, xã Kong Lơng Khơng, huyện K'bang (Gia Lai) tập trung giã, sàng lựa chọn hạt cào để chuẩn bị làm rượu cần. Ảnh: Hồng Điệp
Rượu cần được người Tây Nguyên sử dụng quanh năm nhưng nhiều nhất vào dịp cuối năm. Để làm men lá, những người phụ nữ sẽ lên núi hái lá, rễ của một số loại thảo mộc như: hiam, pơnoc, oach, hang, jũ..., sau đó phơi khô, giã nhuyễn, trộn đều với nước rồi nặn thành từng bánh và để trong 10 ngày. Khi chờ men chín, họ lấy gạo, ngô, bo bo ra phơi. Bà Đinh Thị Ponh, làng K'giang, xã Kong Lơng Khơng, huyện K'bang (Gia Lai) cho biết, nét đặc biệt của rượu cần ở đây là dùng thêm hạt cào. Hạt cào, gạo, ngô, bo bo sau khi nấu chín sẽ để nguội, trộn đều với men lá, ủ 2 đêm 1 ngày rồi cho vào ghè và phủ một lớp lá chuối đã hơ dẻo. Sau 1 - 2 tháng có thể dùng nhưng để càng lâu càng ngon.
Khi uống rượu, người Tây Nguyên sử dụng cần trúc, nứa, lồ ô cắm sâu vào ghè. Vin cần uống, du khách cảm nhận được tình cảm của người Tây Nguyên bởi trong hương rượu cần có vị ngọt của gạo nếp, vị đắng của hạt cào hay vị chát của vỏ, lá cây hiam… Say trong men rượu cần, ngồi ngắm những thiếu nữ Jrai, Bahnar nhảy điệu xoang bên ánh lửa bập bùng, du khách có cảm giác lâng lâng khó tả, từ đó thêm yêu và gắn bó với vùng đất Tây Nguyên.
Hồng Điệp