Phú Thọ là một trong nhiều địa phương khu vực phía Bắc phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra. Mặc dù bão đã qua, nhưng hậu quả của cơn bão khiến hàng nghìn người dân ở Phú Thọ mất ăn, mất ngủ bởi tình trạng sạt lở đất đá, sạt lở bờ sông đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Điều đáng nói, trong thời gian chờ các cấp, ngành liên quan xử lý thì những tuyến đê ven sông vẫn ngày đêm “oằn mình” chống đỡ. Người dân thấp thỏm lo âu.
Tan hoang sau bão
Huyện Đoan Hùng là một trong những địa phương của tỉnh Phú Thọ chịu nhiều thiệt hại nặng nề về sạt lở bờ sông Chảy và sông Lô do cơn bão số 3 gây ra. Sạt lở đã khiến nhiều đoạn đê, đường sá, cầu cống bị ảnh hưởng, nhiều diện tích hoa màu bị lũ cuốn trôi, đe dọa trực tiếp đến nhà cửa, ruộng vườn của hàng trăm hộ dân sinh sống hai bên bờ sông.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng cho biết, xã có gần 20 km đường sông ven theo đường Tỉnh lộ 322 và 323. Đầu tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 cộng với việc thủy điện Thác Bà xả lũ, nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Dọc tuyến sông Chảy hầu như chỗ nào cũng sạt lở nhưng có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 4,5 km ở 3 khu: Đông Dương, Hồng Minh và Nghinh Lạp. Nhiều điểm sạt lở chỉ cách mép đường liên xã chưa tới 1 m, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân, nhiều hộ đã phải di chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn…
Bà Trần Thị Thủy ở khu Nghinh Lạp chia sẻ, sạt lở "thúc thẳng" vào bờ sông, nhiều cây ăn quả và những búi tre to bị sạt xuống sông. Nghiêm trọng hơn, sạt lở đã làm nhiều diện tích đất thổ cư của gia đình bị nước sông cuốn trôi, có những điểm đã vào đến chuồng trại, công trình nhà ở rất nguy hiểm. Cả tuyến đường mòn mà người dân thường xuyên đi lại ven sông này cũng đã bị sạt lở. Nước sông dâng cao, nhiều hộ phải di dời đến nơi an toàn. Người dân rất mong các cơ quan chức năng từ tỉnh đến Trung ương xem xét xử lý cho kè những đoạn sạt lở nghiêm trọng để người dân yên tâm, dần ổn định cuộc sống…
Rời Hùng Xuyên, theo Tỉnh lộ 322, chúng tôi sang bên kia sông Chảy, chứng kiến cảnh tượng sạt lở dọc 2 bên bờ sông mới thấy hết được nỗi lo của người dân sống ven sông. Tình trạng sạt lở, sụt lún đê, giao thông, cầu cống, công trình thủy lợi, hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn huyện. Thiệt hại ước tính khoảng hơn 160 tỷ đồng.
Tại khu vực cống Duỗn xã Phú Lâm, sạt lở đã uy hiếp toàn bộ hệ thống cống và chỉ cách Tỉnh lộ 323 vài mét. Toàn bộ chân cống Duỗn đã bị sạt mạnh, ăn sâu vào phía trong gây mất an toàn cho cống và có nguy cơ sạt lở vào đường 323. Phía bên kia bờ sông, trên tuyền đường liên xã thuộc khu Đông Dương của xã Hùng Xuyên cũng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, có chỗ chỉ cách mép đường liên xã chưa đến 1 m.
Còn tại khu Tiền Phong, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, sạt lở gây đứt đường Tỉnh lộ 323, giao thông bị chia cắt. Ông Quyền Hồng Hà, khu Tiền Phong, xã Hùng Long cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài và việc xả lũ thủy điện nên nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông dâng cao (trên báo động 3). Phía bên mạn đê của tỉnh Tuyên Quang toàn bờ đá vì vậy dòng chảy xoáy về đê bên xã Hùng Long. Lâu ngày nước ngấm, địa chất suy yếu khiến đoạn đê này bị sạt mạnh, ngoạm sâu vào đường 323 làm giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Xử lý đảm bảo an toàn
Ông Nguyễn Văn Vấn, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết, trước tình trạng sạt lở bờ sông, đường xá, cầu cống… tại các xã Hùng Xuyên, Chí Đám, Phú Lâm, Hợp Nhất, Hùng Long ngày một nghiêm trọng, huyện Đoan Hùng đã báo cáo, đề xuất với các cấp chính quyền cấp trên về thực trạng sạt lở trên địa bàn để có phương án xử lý khẩn cấp đảm bảo an toàn chống lũ cũng như giao thông đi lại thuận tiện cho nhân dân.
Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng ở Đoan Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND huyện và các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở, đặc biệt là ở khu vực đê tả Lô thuộc địa bàn xã Hùng Long. Trong đó, các Sở, ngành cần tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở toàn tuyến để có phương án giải quyết lâu dài phù hợp với thực tế; đặc biệt cần quan tâm tới các khu vực đường đê tả sông Lô đã có biểu hiện nứt, xệ để đảm bảo an toàn cho toàn tuyến đê.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cáo UBND tỉnh những điểm sạt lở nghiêm trọng tại Đoan Hùng, đồng thời đề xuất phương án xử lý khẩn cấp ở một số điểm tại huyện để có phương án xử lý kịp thời. Đối với đoạn sạt lở tại khu Tiền Phong, xã Hùng Long, sau khi nhận báo cáo, tỉnh Phú Thọ đã đồng ý phương án xử lý khẩn cấp về thiên tai. Các đơn vị đang tiến hành giải phóng mặt bằng để triển khai thi công công trình.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ những điểm có nguy cơ sạt lở và những điểm đang diễn ra tình trạng sạt lở, từ đó đánh giá, thẩm định mức độ và nguyên nhân sạt lở để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Trường hợp những điểm sạt lở mạnh, nguy hiểm, cần căn cứ phân bổ nguồn vốn, các đơn vị đề ra giải pháp để xây dựng kế hoạch xử lý, xử lý khẩn cấp. Mặt khác, tỉnh đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ bổ sung nguồn vốn nếu dự án xử lý phòng, chống, sạt lở bờ sông có tính chất phức tạp, phạm vi xử lý lớn…
Tạ Văn Toàn