Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum khảo sát một số diện tích rừng trồng thay thế tại xã Đăk Rơ Nga huyện Đăk Tô. Ảnh: kontumfpdf.vn |
Thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp, tỉnh Kon Tum có 7 công ty lâm nghiệp trực thuộc, một công ty lâm nghiệp và 7 công ty nông nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty. Tổng diện tích tự nhiên của các công ty nông, lâm nghiệp trước khi sắp xếp, đổi mới là 277.630,8 ha; sau sắp xếp, đổi mới và hiện nay quản lý sử dụng là 237.622,2 ha (trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 4.608,6 ha; đất lâm nghiệp 219.055,6 ha; đất quy hoạch ngoài 3 loại rừng 2.389,9 ha; đất nông nghiệp khác 741,6 ha). Diện tích còn lại dự kiến giao về địa phương và đơn vị khác quản lý sử dụng. Việc sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Sau khi sắp xếp, đổi mới theo phương án được phê duyệt, các công ty lâm nghiệp đã cơ bản ổn định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao; giải quyết dứt điểm tình trạng đất cấp trùng, chồng lấn, lấn chiếm của các hộ gia đình, cá nhân tại các công ty lâm nghiệp. Việc sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp đã phân rõ loại hình doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh và đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được Nhà nước đặt hàng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác bảo vệ rừng; sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết tìm đối tác đầu tư, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín trong sản xuất kinh doanh từ trồng rừng - khai thác - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận cho công ty, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Kon Tum đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương liên quan xem xét sớm có hướng dẫn cụ thể việc tăng vốn điều lệ từ giá trị rừng trồng đối với phần chênh lệch tăng thêm so với giá trị đầu tư ban đầu tại các công ty lâm nghiệp làm cơ sở cho các đơn vị thế chấp, sản xuất kinh doanh linh động và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp không có diện tích rừng sản xuất là rừng trồng; có cơ chế thông thoáng, thuận lợi, đặc biệt là tạo nguồn vốn đối ứng đảm bảo cho công ty lâm nghiệp vay vốn tín dụng ưu đãi; bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ công ích của các công ty lâm nghiệp và bảo vệ rừng theo Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014–2020. Cùng với đó, Nhà nước có cơ chế đặc thù cho các công ty lâm nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm của Nhà nước đối với các công ty công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Sau khi nghe kiến nghị của các công ty lâm nghiệp tại Kon Tum và các ý kiến của các thành viên Đoàn công tác, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao quá trình thực hiện phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp của tỉnh Kon Tum, nhất là đã giải quyết dứt điểm tình trạng đất cấp trùng, chồng lấn, lấn chiếm của các hộ gia đình, cá nhân tại các công ty lâm nghiệp. Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn biểu dương sự nỗ lực của 7 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi sắp xếp lại, đã cơ bản ổn định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao. Thứ trưởng đề nghị Kon Tum đẩy mạnh hơn nữa việc sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty đứng chân trên địa bàn tỉnh, rà soát lại và nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị sau khi sắp xếp; có phương án sử dụng hiệu quả diện tích đất thu hồi. Đoàn công tác ghi nhận các ý kiến đề xuất của tỉnh Kon Tum để có phương án tham mưu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.
Quang Thái