Sáng tạo sản phẩm du lịch - hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam

Sáng tạo sản phẩm du lịch - hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam
Chia sẻ về sáng tạo trong du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, sáng tạo trong các sản phẩm du lịch nếu đi đúng hướng sẽ giúp nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch, mang lại các giá trị gia tăng. Từ đó, tạo ra nền tảng khác biệt trong lợi thế cạnh tranh du lịch giữa các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thời kỳ công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu. Các sản phẩm du lịch sáng tạo sẽ góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch, giảm tình trạng quá tải và mất cân đối hiện tại.
Quang cảnh Hội thảo “Sáng tạo trong sản phẩm du lịch - từ ý tưởng đến thực tế kinh doanh”. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo “Sáng tạo trong sản phẩm du lịch - từ ý tưởng đến thực tế kinh doanh”. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Mục tiêu chung của phát triển du lịch quốc gia theo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển bền vững. Sáng tạo trong xây dựng và triển khai sản phẩm du lịch là xu hướng cần thiết, có thể giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra. Tuy nhiên, sáng tạo phải đi đôi với bền vững, gia tăng giá trị của tài nguyên du lịch nhưng vẫn phải lấy tính nguyên bản của điểm đến làm nguồn lực của sáng tạo.
 
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trên thế giới, được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Năm 2017, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với năm 2016; trong 7 tháng của năm 2018, hơn 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo đánh giá của tổ chức kinh tế thế giới, năm 2017 năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 8 bậc so với 2 năm trước; nếu xem xét kĩ lưỡng tới các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam có thể thấy động lực chính dẫn tới từ tài nguyên văn hóa (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34) và sức cạnh tranh về giá (hạng 35).
 
Tại Việt Nam, hiện có nhiều doanh nghiệp du lịch thực hiện các ý tưởng, cung cấp dịch vụ du lịch mới, thậm chí ngay từ khi mới thành lập.

Chia sẻ về mô hình du lịch mới, ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sự kiện thể thao bói cá Việt, tỉnh Đồng Nai cho biết: Ở khu vực hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai có hồ, rừng và người dân bản địa với cuộc sống gắn liền với thiên nhiên. Khi biết đến địa điểm này, ông nảy sinh ý tưởng du lịch sinh thái gắn liền với tự nhiên, tiến hành xây dựng Bà Đất homestay và thành lập công ty.

Với dịch vụ du lịch do công ty cung cấp, du khách sẽ trải nghiệm việc đi dạo, chạy bộ trong rừng, tham gia chèo thuyền, đánh bắt cá trên hồ Trị An. Bên cạnh đó, du khách còn có các hoạt động sinh hoạt tập thể trong rừng, bên bờ hồ để gắn kết mọi người với nhau. Đặc biệt, du khách sẽ tự mình trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, có thể tham gia sinh hoạt, ăn uống cùng người dân, khám phá những đặc sản địa phương.
Ông Jason Lusk, Giám đốc Mekong innovative startups in tourism chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam theo hướng sáng tạo. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Ông Jason Lusk, Giám đốc Mekong innovative startups in tourism chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam theo hướng sáng tạo. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
 
Với mô hình du lịch này, du khách được trải nghiệm cuộc sống bản địa và hòa mình vào thiên nhiên, cải thiện sức khỏe, tinh thần, trong khi đó người dân lại có nguồn thu nhập trong việc cung cấp dịch vụ ăn uống, sản phẩm đặc sản địa phương và các hoạt động hướng dẫn đi rừng, chèo thuyền, đánh bắt cá.

Các sản phẩm du lịch này thu hút phần lớn du khách Việt Nam từ trung lưu trở lên và du khách nước ngoài, mỗi năm phục vụ khoảng 3.000 khách. Từ những mô hình du lịch sẵn có, công ty sẽ phát triển những mô hình du lịch và hoạt động thể thao khác như các cuộc thi đi bộ, chạy bộ trong rừng, đua thuyền, bơi lội phục vụ cho sinh hoạt đội, nhóm.
 
Trong khi đó, Công ty du lịch Triip lại phát triển du lịch dựa vào công nghệ để tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường. Ông Hồ Việt Hải, Giám đốc Công ty du lịch Triip cho biết, mục tiêu của Công ty là kết nối những nền văn hóa với nhau và phát triển du lịch bền vững.

Thành lập từ năm 2014, Công ty chú trọng vào việc tham gia các cuộc thi du lịch quốc tế nhằm giành giải thưởng để du khách quốc tế biết đến. Với những tiêu chí về du lịch sáng tạo, Công ty hiện kết nối với 6.000 hướng dẫn viên du lịch trên 100 quốc gia, tổ chức các chuyến du lịch đến hơn 40 thành phố nổi tiếng trên toàn thế giới.

Hiện Công ty mở ra một nền tảng công nghệ kết nối khách du lịch và người bản địa trong việc cung cấp và tiếp nhận dịch vụ du lịch. Công ty đảm bảo với du khách về chất lượng và chi phí dịch vụ thông qua nền tảng công nghệ này.
 
Điều khiến Công ty du lịch Triip có sự khác biệt hơn những doanh nghiệp khác là không ngừng sáng tạo, hoạt động với phương châm không chỉ phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch mà còn mở ra hướng đi mới về phát triển du lịch bền vững cho các công ty mới thành lập./.
  Nguyễn Xuân Dự
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm