Sáng 31/7, ghi nhận 4.060 ca mắc mới COVID-19 trong nước; đã tiêm hơn 5,9 triệu liều vaccine

Sáng 31/7, ghi nhận 4.060 ca mắc mới COVID-19 trong nước; đã tiêm hơn 5,9 triệu liều vaccine

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 19 giờ ngày 30/7 đến 6 giờ ngày 31/7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.060 ca mắc mới trong nước, trong đó có 973 ca trong cộng đồng.

Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh (2.503 ca), Bình Dương (868 ca), Đồng Nai (222 ca), Tiền Giang (123 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (76 ca), Cần Thơ (55 ca), Vĩnh Long (48 ca), Bình Thuận (38 ca), Đồng Tháp (31 ca), Phú Yên (28 ca), Kiên Giang (16 ca), Đắk Lắk (11 ca), Sơn La (10 ca), Bình Định (9 ca), Thừa Thiên -Huế, Quảng Trị và Đắk Nông (cùng ghi nhận 4 ca), Hà Nội (3 ca), Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang (cùng ghi nhận 2 ca), Kon Tum (1 ca).

Sáng 31/7, ghi nhận 4.060 ca mắc mới COVID-19 trong nước; đã tiêm hơn 5,9 triệu liều vaccine ảnh 1Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Tính đến sáng 31/7, Việt Nam có 141.122 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 138.887 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 137.317 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới gồm Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị và Nam Định.

Đến nay, tổng số ca bệnh COVID-19 được điều trị khỏi lả 35.484 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 411 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21 ca.

Số lượng xét nghiệm được thực hiện từ ngày 27/4 đến nay là 5.853.565 mẫu cho 16.900.185 lượt người.

Trong ngày 30/7, có 407.283 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.931.376 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.342.483 liều, tiêm mũi 2 là 588.893 liều.

Trong ngày 30/7, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế sẽ thiết lập Trung tâm hồi sức tại Bình Dương, hỗ trợ đẩy nhanh tiêm chủng của tỉnh Bình Dương.

Bộ Y tế ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng". Theo nội dung Đề án, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường.

Ngày 30/7, Bộ Y tế có quyết định thành lập 2 Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại 2 tỉnh: Bạc Liêu và Cần Thơ nhằm hỗ trợ 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ phòng chống COVID-19. Mỗi Tổ công tác gồm 12 -16 thành viên gồm 1 tổ trưởng, 1-2 tổ phó. Họ là những chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Cũng trong ngày 30/7, Bộ Y tế ban hành công văn số 6140/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố về vệc huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia phòng chống dịch COVID-19, trong đó đề nghị địa phương huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19 phù hợp với năng lực chuyên môn và điều kiện của cơ sở.

Tỉnh Bình Dương lập bệnh viện dã chiến số 3, số 4 tại thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, với tổng quy mô 8.000 giường. Đến nay, tỉnh Bình Dương có 4 bệnh viện dã chiến với 16.000 giường bệnh.

Chiều 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm