Sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu cho ngành dệt may ở phía Bắc

Sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu cho ngành dệt may ở phía Bắc

Chiều 6/5, tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn An Phước đã phối hợp tổ chức Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía Bắc.

Sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu cho ngành dệt may ở phía Bắc ảnh 1Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thăm vùng sản xuất cây gai xanh nguyên liệu tại xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy). Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hóa; các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cây gai xanh; đại diện các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An…

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: cây gai xanh là cây trồng mới có hiệu quả kinh tế. Các tham luận của các đại biểu rất sâu và sát thực, giúp Bộ có định hướng phát triển vùng nguyên liệu ở các địa phương trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức thêm các hội thảo quy mô lớn để khẳng định về mặt kỹ thuật, giống, quy trình canh tác, hiệu quả kinh tế. Điều này tạo niềm tin cho nhân dân trong quá trình sản xuất. Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Nhà máy sợi dệt An Phước xây dựng đề án phát triển cây gai xanh nguyên liệu để hỗ trợ cho các tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy, đồng thời, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã dịch vụ và mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hóa đồng bộ theo hướng làm dịch vụ. Các địa phương cũng cần xây dựng các sản phẩm OCOP làm từ nguyên liệu cây gai xanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành vùng nguyên liệu cây gai xanh với tổng diện tích đã trồng đạt 703 ha, dự kiến từ năm 2023 trở đi hàng năm tăng thêm 1.500 ha, đến năm 2025 đạt khoảng 6.500 ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ Nhà máy dệt sợi An Phước.

Sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu cho ngành dệt may ở phía Bắc ảnh 2Đồng chí Trần Thanh Nam (đứng thứ 2 từ trái sang) thăm khu sản xuất giống cây gai xanh của Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước - Viramiet (huyện Cẩm Thủy). Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN

Việc tổ chức hội thảo phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh thành khu vực phía Bắc đang phát triển cây gai xanh nguyên liệu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức khoa học - kỹ thuật, phương pháp tổ chức sản xuất để có định hướng, giải pháp phát triển cây gai xanh. Qua đó, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Hội thảo cũng giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nông dân có định hướng, giải pháp hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra đối với phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh.

Tại hội thảo các đại biểu cũng trình bày các tham luận thực trạng và định hướng phát triển cây gai xanh làm nguyên liệu sợi dệt tại các địa phương; đại diện Công ty công ty Nông nghiệp An Phước – Viramiet trình bày các tham luận phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ ngành công nghiệp diệt may và cơ hội cho người nông dân; giới thiệu về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cây gai xanh; thông tin một số giống gai phổ biến trong sản xuất…

Được biết, trồng cây gai xanh một lần thu hoạch 10 năm và cho thu 4 đến 5 lứa/năm. Cây có giá trị kinh tế, trung bình một năm thu được từ 100 – 140 triệu đồng/ha, nhiều hộ chăm sóc tốt, cho thu nhập trên 200 triệu/ha.

Vỏ cây gai chế biến thành sợi để dệt ra các loại vải cao cấp an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Với đặc tính sợi cây gai xanh dễ nhuộm, kháng khuẩn, chống bám bẩn, chống nấm mốc, độ bền cao với ánh sáng, phơi mau khô, chịu được nóng khi giặt, độ dai bền gấp 8 lần so với các vải làm từ sợi bông.

Ngoài ra, lá, thân cây gai xanh đều có thể tận dụng phục vụ trong sản xuất công nghiệp thực phẩm và sử dụng làm thức ăn gia súc.

Trong quá trình trồng và chăm sóc, cây gai xanh dễ sống mà không cần sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Việc phát triển trồng cây gai xanh còn giữ ẩm, cải tạo đất, chống xói mòn, hạn chế rủi do thiên tai.

Theo đó, khi phát triển được vùng trồng nguyên liệu sợi từ cây gai xanh sẽ tạo việc làm, giúp tăng thu nhập cho người dân.

Trịnh Duy Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm