Sải Thị Bích Huế - Cô gái Phù Lá nâng tầm giá trị mận tam hoa Bắc Hà

Sải Thị Bích Huế - Cô gái Phù Lá nâng tầm giá trị mận tam hoa Bắc Hà

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản tại Lào Cai gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Đầu tư chế biến sâu là một trong những giải pháp được đánh giá hiệu quả, căn cơ nhất để giải quyết tình trạng này.

Sải Thị Bích Huế - Cô gái Phù Lá nâng tầm giá trị mận tam hoa Bắc Hà ảnh 1Chị Sải Thị Bích Huế cùng sản phẩm "Mận Tam hoa sấy dẻo". Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Nhận thức được điều đó, cô gái dân tộc Phù Lá, Sải Thị Bích Huế, sinh năm 1989, trú tại thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, người con của vùng đất "cao nguyên trắng" Bắc Hà (Lào Cai) đã mạnh dạn đứng ra thu mua sản phẩm mận Tam hoa - một loại nông sản thế mạnh của địa phương để chế biến sâu trong bối cảnh không thể tìm được đầu ra do ảnh hưởng của dịch. Sản phẩm "Mận Tam hoa sấy dẻo" của Hợp tác xã Quang Tom do chị Huế làm Giám đốc được thị trường chấp nhận, tin tưởng và đánh giá cao, không chỉ giúp nâng tầm giá trị mận Tam hoa Bắc Hà, còn là minh chứng rõ ràng cho tinh thần khởi nghiệp dám nghĩ, dám làm của người phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương.

Việc Lào Cai được công nhận lưu hành đặc cách giống mận Tam hoa đã cho thấy những ưu điểm vượt trội của giống mận này khi được trồng tại địa phương - nơi thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng và khí hậu dịu mát tạo nên quả mận to có độ ngọt vượt trội, khi chín ăn giòn tan, róc hạt. Bắc Hà được xem là thủ phủ mận Tam hoa của Lào Cai, với sản lượng tương đối lớn, khoảng 3.560 tấn/năm. Ở vùng đất "cao nguyên trắng" này, mận Tam hoa bắt đầu chín từ đầu tháng 5, nhưng chín rộ nhất vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, mận chỉ cho thu hoạch 1 mùa/năm trong thời gian khoảng 2 tháng và chỉ được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, ăn ngay, mặt khác quả mận rất khó bảo quản do vỏ mỏng, dễ dập vỡ và hỏng khi vận chuyển đi xa.

Là cán bộ y tế công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, chị Huế không được học về công nghệ chế biến hay việc kinh doanh. Tuy nhiên, chị Huế thừa nhận mình là người thật sự nặng lòng với mận Tam hoa - loại cây đã góp phần giúp gia đình nuôi chị lớn lên và trang trải học phí để chị được đi học. Kỷ niệm tuổi thơ của chị gắn bó với cây mận nơi đây, cùng chứng kiến và trải qua thăng trầm với cây mận. Chị đã nhiều lần chứng kiến mận Tam hoa rơi vào thời điểm “khủng hoảng”, rớt giá thảm hại. Không ít hộ dân nơi đây đã cay đắng chặt bỏ nhiều diện tích mận để trồng cây khác.

Chị cũng thấy những năm gần đây với sự phát triển của thị trường và đặc biệt là ngành du lịch, mận Bắc Hà được nâng tầm giá trị và thương hiệu, giá thành mận Tam hoa từng bước được nâng cao, có những thời điểm quả mận loại to đẹp nhất lên tới giá 50-80.000đ/kg. Là sản phẩm đặc hữu địa phương, nổi tiếng cả nước, khi ấy mận Tam hoa Bắc Hà luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Thế nhưng năm 2020, 2021, dịch COVID-19 đã thực sự "làm khó" trong việc tiêu thụ nông sản Lào Cai nói chung và mận Tam hoa Bắc Hà nói riêng. Chứng kiến người dân điêu đứng, quả tươi chất đống không có đầu ra, cô gái Phù Lá Sải Thị Bích Huế đã mạnh dạn đứng ra thu mua sản phẩm để chế biến sâu. 

Sải Thị Bích Huế - Cô gái Phù Lá nâng tầm giá trị mận tam hoa Bắc Hà ảnh 2Sản phẩm của chị Huế làm ra được khách hàng đánh giá cao về bao bì, mẫu mã. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Tháng 6/2021, Hợp tác xã Quang Tom với 7 thành viên do chị điều hành chính thức đi vào hoạt động. Đây cũng là lúc chị Huế bắt tay vào sản xuất thử nghiệm và gặp không ít khó khăn khi quả mận Tam hoa tương đối nhiều nước, kích thước và lượng đường trong từng quả khác nhau theo mức độ chín. Do chưa có kinh nghiệm, chưa nắm bắt được công nghệ chế biến hoàn chỉnh nên nhiều lô sản phẩm thử nghiệm không đạt yêu cầu phải bỏ đi.

Để ra được thành phẩm, trong quá trình làm chị Huế đã nghiên cứu kỹ về hàm lượng đường, quá trình sên và sấy cho từng mẻ sản phẩm. Với vùng nguyên liệu sẵn có, sản phẩm không sử dụng chất bảo quản, quy trình sản xuất khép kín đảm bảo an toàn thực phẩm, bước đầu, Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm đã được kiểm nghiệm và công bố chất lượng. Thời điểm này, Hợp tác xã thu mua 2 tấn mận tươi cho ra 5 tạ mận thành phẩm và được thị trường đón nhận tiêu thụ hết.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà Nguyễn Xuân Giang cho biết, theo đánh giá của đa số khách hàng, sản phẩm có hương vị đặc trưng, thơm, ngon, dẻo, độ ngọt phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Đặc biệt hơn cả, sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin và khoáng chất. Thời gian bảo quản tương đối dài, quy cách đóng gói và mẫu mã sản phẩm được đánh giá cao. Chính bởi những ưu điểm nổi bật trên, tháng 11/2021, sản phẩm đã vinh dự đạt giải xuất sắc cấp tỉnh khi tham gia "Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Lào Cai năm 2021" và được lựa chọn tiếp tục tranh tài ở Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương năm 2022 dự kiến sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, tháng 11/2021, sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Lào Cai. Theo kế hoạch, năm 2022, Hợp tác xã Quang Tom sẽ sản xuất 15 tấn mận Tam hoa sấy dẻo, góp phần tạo đầu ra ổn định cho người dân trồng mận tại huyện Bắc Hà. Chị Huế cho biết, ngoài việc tiêu thụ được mận Tam hoa tươi, Hợp tác xã còn giải quyết được phần nào nguồn lao động tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Theo tính toán của chị, trung bình cứ 100 kg thành phẩm, Hợp tác xã sẽ sử dụng từ 12 đến 15 công lao động. Chị Huế cho biết, năm 2022, Hợp tác xã sẽ tiếp tục nâng cấp công nghệ sản xuất, mở rộng quy mô nhà xưởng và lắp đặt hệ thống sấy lạnh công nghệ cao để giúp tăng năng suất, gia tăng chất lượng sản phẩm và thời hạn bảo quản.

Ngoài mận, bước vào đầu năm 2022, Hợp tác xã Quang Tom tiếp tục cho ra mắt thị trường trong nước một số sản phẩm chế biến sâu khác được đánh giá cao như chè cổ thụ tuyết shan từ 100-500 năm tuổi, hướng đến xuất khẩu ra thị trường thế giới những năm tới. Đây cũng là một sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác của Bắc Hà chưa được khai thác xứng với tiềm năng.

Lý giải cho việc bản thân luôn trăn trở với nông sản quê hương, chị Huế trải lòng: "Tôi mong muốn rằng từ sản phẩm của Hợp tác xã, sẽ có thêm nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương tự tin, đổi mới suy nghĩ, cách làm theo hướng sản xuất hàng hóa, vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, hạn chế được tình trạng người dân đi lao động thuê xa nhà".

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm