Rừng và nghệ sĩ

Rừng và nghệ sĩ
Rừng...

Từ hàng ngàn năm trước, người Bahnar, Jrai gắn với rừng. Rừng là một bộ phận quan trọng nhất cấu thành cuộc sống của họ. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng: văn hóa Bahnar, Jrai là văn hóa làng và văn hóa rừng. Nếu không có làng, có rừng thì sẽ không có văn hóa Bahnar, Jrai. Văn hóa truyền thống của hai tộc người này sẽ biến mất nếu những cái đó không còn hoặc bị biến dạng.
 

Với người Bahnar, Jrai rừng là sự sống, là thần thánh, ân nhân, bè bạn. Con người cảm thấy nhỏ bé sợ sệt, biết ơn và khao khát sống hòa thuận với các thần rừng, với mẹ tự nhiên. Họ tuyệt đối không phá rừng, chỉ khai thác một diện tích rất nhỏ để canh tác, duy trì sự sống. Chặt một cây to phải cúng Yàng. Có những khu rừng thiêng-mà bây giờ gọi là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, cả cộng đồng tuyệt đối không bao giờ được đụng đến. Khác với các tộc người du mục, người Bahnar, Jrai cũng không du canh du cư. Họ chỉ dời làng khi có chiến tranh, dịch bệnh và tài nguyên cạn kiệt. Họ phát và làm rẫy ở những địa điểm nhất định theo chu kỳ để đất được nghỉ ngơi và bồi đắp lại sự mỡ màu cần thiết.

Người Bahnar, Jrai sinh ra từ làng, sống với rừng. Lớn lên, do thời cuộc xô đẩy mà một số người phải dời xa những cái thân thuộc và thiêng liêng ấy. Nhưng thời gian chưa bao giờ làm phai nhòa làng, rừng trong huyết quản của họ. Tiện nghi đến đâu, quyền cao chức trọng đến đâu thì khi được phép nghỉ ngơi, ma lực làng, ma lực rừng vẫn là tiếng gọi mãnh liệt và thôi thúc nhất. Hầu hết họ đã quay về làng cũ rừng xưa, để được một lần nữa hòa giọt nước nhỏ nhoi đời mình vào dòng chảy ngàn năm của cộng đồng yêu dấu. Thực tế những Xu Man, Đinh Núp, Y Ben, Y Dơn, Ksor Krơn, Lưu Ô Y Nôm, Y Brơm... là những minh chứng hùng hồn. Và hẳn sẽ là bi kịch lớn lao khi ai đó không còn chỗ để quay về!

...và nghệ sĩ

Cùng với lao động sản xuất, chiến đấu để sinh tồn, người Bahnar, Jrai còn là chủ nhân của kho tàng folclore vô cùng phong phú, đặc sắc và độc đáo bậc nhất Việt Nam. Tất cả các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian đều có ở đây với hình hài nguyên sơ và tinh khôi nhất, chưa hề bị (được) trau chuốt, gọt rũa, bác học hóa. Thậm chí trữ lượng sử thi của người Bahnar lại càng giàu có chưa từng thấy.

Ta thường dùng khái niệm “nghệ nhân” để chỉ những người có tài, có khả năng lưu giữ, thể hiện và truyền dạy các tác phẩm dân gian. Quả đúng vậy. Đi sâu hơn nữa, tình hình này ở người Bahnar, Jrai có nhiều điều thú vị, ngạc nhiên. Qua điền dã và quan sát, chúng tôi nhận thấy trước hết, mỗi người Bahnar, Jrai là một nghệ sĩ từ trong tâm linh, máu thịt. Khả năng lĩnh hội, cảm thụ sáng tác và biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật của họ rất cao trong tất cả mọi tình huống. Tất nhiên họ không có các khái niệm “nghệ sĩ”, “sáng tạo”, “nghệ thuật”... nhưng họ đã sống cùng với những thứ đó từ trong bụng mẹ cho tới khi về cõi atâu (cõi ma). Các quan hệ giữa người với người, con người với tự nhiên tràn ngập một không gian và thời gian nghệ thuật mang tính cộng đồng cao là tất cả người trong làng, trong cùng đồng bào hầu như cùng một nghề nghiệp, một lối sống, một cách cảm, cách nghĩ giống nhau. Họ đã sống nghệ thuật một cách tự nhiên, tự phát như hít thở không khí, như cơm ăn nước uống hàng ngày. Vì vậy họ không hề tự tách ra, xác định một chỗ đứng cao hơn và tách biệt với những người còn lại trong cộng đồng. “Pơ tao cũng là chúng tôi. Người xúc tép cũng là chúng tôi”-như lời một nhân vật trong sử thi Bahnar.

Trong những lễ hội của dân làng, ai là tác giả trang trí đàn hiến tế, cột gơng, cây nêu? Ai tạc tượng mồ? Chúng tôi hỏi và được người dân làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) trả lời: Là những người được Yàng cho cái mắt, cái tay (khéo). Công việc chế tác, sáng tác, trong trường hợp này, nói nôm na như người Việt: Trời gọi ai người ấy dạ! Đó là một quá trình thăng hoa, nhập thần, như có một lực lượng siêu phàm dẫn đường chỉ lối từ khi bắt đầu cho tới khi hoàn tất tác phẩm. Ví như các nhân vật tượng mồ, ngẫu nhiên thôi: người ngồi bó gối ôm mặt khóc, nam-nữ đang hoạt động tính giao... đã đạt tới độ khái quát kinh điển. Không giống ai mà giống tất cả mọi người. Chỉ có sự can thiệp của thần thánh thì mới làm được như thế. Và người nghệ sĩ chỉ cảm thấy sung sướng vô biên trong quá trình ấy. Làm xong thì hình như Yàng cũng dời khỏi người anh ta. Thái độ của anh ta lúc này lại cộng cảm cùng cộng đồng trong ngắm nghía, thưởng thức. Cái tôi cá tính sáng tạo đã thực sự biến mất!

Người Bahnar, Jrai không “làm”, không “diễn” nghệ thuật. Mọi thứ xuất phát và là sản phẩm của tâm hồn họ, không thể đổi chác, bán mua. Vì nếu vậy thì đấy là một sự xúc phạm ghê gớm.    

Cuối cùng, nếu không đặt đúng vào thời gian, địa điểm và mục đích tâm linh mà lại đem ra sân vận động, quảng trường... kỷ niệm các ngày lễ lớn thì mọi thể hiện của folclore Bahnar, Jrai chỉ là những trò diễn gượng gạo, khiên cưỡng vì không có hồn vía đích thực.
 
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm