Sáng 15/1, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả của ngành đã đạt được trong bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được khắc phục triệt để và đề nghị ngành cần quyết liệt triển khai trong thời gian tới. Đó là, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn ở nhiều địa phương còn chậm.
Ngoài ra, ngành chưa thực sự chủ động, kịp thời ứng phó với các rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều, nghiêm ngặt của thị trường nhập khẩu dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục vật tư nông nghiệp được phép lưu hành.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường mở rộng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; phát huy vai trò hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước cần xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp 2021 tại địa phương bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 trên địa bàn quản lý, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các tuyến huyện, xã.
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp nói chung và công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông; giám sát, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm; phát triển thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu...
Cụ thể, ngành đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật song song với đẩy mạnh truyền thông quảng bá các sản phẩm, các địa chỉ sản xuất kinh doanh nông nghiệp chất lượng, an toàn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nông sản thực phẩm. Việc thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm sạch, an toàn, hữu cơ, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi đạt nhiều kết quả.
Đến nay, cả nước đã có 430 nghìn ha cây trồng, 664 cơ sở nuôi thủy sản, 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi...được chứng nhận VietGAP và tương đương. Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên toàn quốc. Năm 2020, ngành nông nghiệp đã thanh, kiểm tra 44.932 cơ sở, xử phạt hành chính 3.226 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, với số tiền phạt 31,14 tỷ đồng....
Năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ pháp luật an toàn thực phẩm, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam...
Thanh Thương