Các luật quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2020

Các luật quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2020
Quy định mới về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi

Luật Chăn nuôi 2018 gồm 8 chương, 83 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. Luật này quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Điều 4 của Luật quy định về Chính sách của Nhà nước về chăn nuôi. Theo đó, Nhà nước đầu tư cho các hoạt động: Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 5 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi; bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.

Các hoạt động sẽ được xem xét hỗ trợ trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, gồm: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn;

Nội dung về đối xử nhân đạo với vật nuôi là một điểm mới tại Luật này. Điều 69 của Luật quy định: Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Đồng thời, Luật cũng quy định khi giết mổ vật nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; phải có biện pháp gây ngất trước khi giết mổ; không để chúng chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ.

Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Tăng cường truy xuất nguồn gốc giống cây trồng

Kể từ ngày 1/1/2020, Luật Trồng trọt 2018 chính thức có hiệu lực. Luật gồm 7 chương, 85 điều, quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt được nêu trong Luật gồm: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép; sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam; sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón; cung cấp thông tin về giống cây trồng, phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố; thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, sản phẩm cây trồng, phân bón; cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy về vật tư nông nghiệp và sản phẩm cây trồng; xuất khẩu trái phép giống cây trồng thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu…

Luật Trồng trọt 2018 quy định tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng cần đáp ứng điều kiện là phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng. Luật cũng nêu rõ chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

Chiến lược phát triển trồng trọt xác định quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển trồng trọt trên phạm vi toàn quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt.

Bộ Quốc phòng quản lý về vũ khí, vật liệu nổ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ có hiệu lực từ ngày 10/1/2020. Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 và Khoản 2 Điều 73. Theo đó, quy định về vũ khí quân dụng được nêu rõ gồm: Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác; Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này.

Luật quy định Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của luật này.

Ba dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư

Luật Đầu tư công 2019 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020. Theo quy định tại Luật, ba dự án sau đây không phải quyết định chủ trương đầu tư: Dự án đầu tư công khẩn cấp (là dự án đầu tư công nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền); dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài ra, hai nhiệm vụ sau đây cũng không phải quyết định chủ trương đầu tư: Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; nhiệm vụ quy hoạch.

Luật này quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công; được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Hiền Hạnh 

Có thể bạn quan tâm