Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: triển khai Nghị quyết 77, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho 13 trường đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được thực hiện thí điểm đổi mới cho chế hoạt động. Hiện Thủ tướng đang xem xét phê duyệt Đề án thí điểm 3 trường. Phần lớn các trường tham gia thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là các trường đào tạo khối ngành kinh tế. Đây là ngành có khả năng xã hội hóa cao, có thể huy động đóng góp của xã hội bằng cách thu học phí cao hơn so với các khối ngành khác.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Qua tổng hợp từ 13 trường thực hiện thí điểm cho thấy, việc cho phép các trường được tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chủ động trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội và yêu cầu đào tạo của nhà trường. Đến nay đã có 5 trường mở ngành mới. Việc được tự chủ trong công tác xây dựng nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các trường đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm tiếp cận với chuẩn đào tạo của quốc tế. Cơ chế tự chủ tuyển sinh như hiện nay đã giúp nhà trường hoàn toàn chủ động trong công tác tuyển sinh, đảm bảo tốt chất lượng đầu vào. Việc cho phép mức thu học phí cao hơn so với mức quy định chung đối với các trường đại học khác đã tạo điều kiện cho các trường tăng thêm nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đã quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, chương trình và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân của các chương trình tối đa bằng mức trần học phí bình quân đã được Thủ tướng phê duyệt.
Về những vướng mắc trong quá trình triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian thí điểm là 2014-2017, trong khi các trường xây dựng đề án và trình phê duyệt còn chậm, thời gian thực tế thực hiện đề án thí điểm còn lại rất ngắn, chưa đủ thời gian để thực hiện kế hoạch dài hạn. Một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn nhiều lúng túng, đặc biệt là chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của các trường, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau giữa trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Cụ thể, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng quy định Ban giám hiệu các trường đại học công lập là công chức do cơ quan chủ quản quản lý, bộ nhiệm và quy định về tuổi về hưu như hiện nay làm mất đi khả năng đóng góp của những người có năng lực và có khả năng cống hiến hiệu quả cho nhà trường. Trường Đại học Hà Nội cho rằng chưa có hướng dẫn cụ thể quyền tự chủ trong việc quyết định các định mức chi, chưa có quy định tự chủ về chế độ làm việc của giảng viên, về giờ chuẩn và nghĩa vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Mặc dù được quyết định mức thu học phí theo Đề án được phê duyệt cao hơn mức học phí quy định chung đối với các trường đại học khác nhưng để thu hút sinh viên, một số trường vẫn duy trì mức học phí bằng mức quy định chung của Nhà nước áp dụng cho các trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ, vì vậy chưa có tích lũy để đầu tư các công trình, dự án lớn phục vụ công tác đào tạo. Do đó, Trường Đại học Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị được tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư lớn (từ nhóm B trở lên) để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn...
Tại cuộc làm việc, từng đề xuất, kiến nghị của các trường thực hiện thí điểm đã được đại diện các cơ quan liên quan trả lời cụ thể, làm sáng tỏ những vướng mắc để thống nhất trong triển khai, góp phần thông suốt trong quá trình thực hiện thí điểm của các trường đại học. Các đề xuất, kiến nghị của các trường gồm: Hướng dẫn về quản lý tài chính và hạch toán các nội dung có tính chất kinh doanh phát sinh tại các đơn vị sự nghiệp công gồm: hoạt động liên doanh, liên kết; hoạt động đầu tư tại các đơn vị sự nghiệp tự chủ; cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên; nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, từ các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn nhằm tạo điều kiện cho các trường bổ sung nguồn thu đảm bảo nhu cầu chi tiêu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đền nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng/sinh viên để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh vì đội ngũ này đóng góp rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo có đơn vị chuyên môn nhận cung cấp dịch vụ đề thi, tổ chức thi lấy kết quả nhiều đợt trong năm; sớm hoàn thành và công bố việc xếp hạng các trường đại học để người học và xã hội thấy được sự khác biệt giữa các trường, từ đó đồng thuận với mức thu học phí của trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư...
Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm tại cuộc làm là việc ấn định số lượng giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng để quyết định mở ngành và quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học nói chung cũng như đối với 13 trường thực hiện thí điểm. Các trường thực hiện thí điểm đề nghị bỏ việc quy định ấn định số lượng giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng. Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng ý với kiến nghị này vì nếu không ấn định, các trường sẽ mời rất nhiều giáo viên thỉnh giảng, để từ đó yêu cầu nâng cao quy mô đào tạo, không quan tâm tới nâng cao chất lượng...
Phát biểu tại cuộc làm việc, qua nghe ý kiến trao đổi và kiến nghị từ các trường và giải đáp của Bộ có liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thấy rằng phần lớn các trường đại học công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đều chưa dùng hết quyền tự chủ của mình. Những vấn đề, vướng mắc được các trường nêu ra tại cuộc làm việc đã được các cơ quan hữu quan giải đáp, tháo gỡ cụ thể. Phó Thủ tướng đề nghị sẽ báo cáo với Thủ tướng để đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 77 sau một năm thực hiện.
Nhấn mạnh giao quyền tự chủ cho các trường đại học là con đường tất yếu, tuy không vội vàng nhưng phải khẩn trương, quyết liệt với một quan điểm lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ "tự chủ ở đây không có nghĩa là nhà nước buông, muốn làm gì thì làm mà về tài chính có cơ chế khoa học không làm giảm khả năng tiếp cận học chất lượng cao của các trường". Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường phải gắn liền với trách nhiệm giải trình để đảm bảo chất lượng. Về kiểm định chất lượng các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy định chung bắt buộc cho các trường, trên cơ sở đó, các trường phải tự kiểm định công khai, trong đó tập trung kiểm định chặt chẽ hơn đối với các trường được giao tự chủ.
Về tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng nêu rõ: giao quyền tự chủ hết cho các trường, vai trò của cơ quan chủ quản tiến tới sẽ thôi, sẽ bớt đi. Theo Phó Thủ tướng, phải tăng quyền quản lý và trách nhiệm giải trình ngay trong bản thân cơ cấu, tổ chức của trường bằng các Hội đồng trường. Dù pháp luật đã có quy định nhưng các trường thực hiện chưa nghiêm, đây là trách nhiệm của các trường và các bộ chủ quản. Thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý phải kiện toàn Hội đồng trường của các trường theo đúng nghĩa, thực quyền, phân định rõ trách nhiệm của Hội đồng trường quyết những vấn đề lớn cả về hướng phát triển khoa học, đầu tư nhân sự, bên cạnh đó có cơ chế giám sát rất rõ ràng và phân định với chức năng điều hành.../.