Hệ thống guồng nước do bà con tự thiết kế như những chiếc bánh xe khổng lồ ngày đêm cần mẫn, nhịp nhàng xoay vòng để múc nước từ dòng suối Nậm Mu đưa lên mương máng tưới cho cánh đồng lúa rộng 13 ha của bản.
Hệ thống 26 chiếc guồng cung cấp nước tưới cho cánh đồng rộng 13 ha của bản Nà Khương |
Trước Tết Đinh Dậu năm 2017, những người dân trong bản Nà Khương chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm du lịch sinh thái từ hệ thống guồng nước “chăm chỉ lao động” này, mặc dù mỗi ngày đều có khoảng 3 - 4 đoàn du khách tới tham quan, chụp ảnh.
Thế rồi nhờ có sự gợi ý của lãnh đạo huyện Tam Đường và xã Bản Bo, vào ngày mồng 2 Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình ông Lù Văn Phốm, Bí thư Chi bộ và một vài hộ dân trong bản Nà Khương đã mạnh dạn ra suối dựng lán, căng bạt để làm dịch vụ du lịch. Chòi của ông Phốm và các hộ khác đều có 5 - 7 bộ trang phục dân tộc (Thái, Mông) để cho khách thuê mượn chụp ảnh. Mỗi lượt thuê trang phục giá 30.000 đồng/bộ.
Ngoài ra, bà con còn tự chế biến các món ăn dân tộc như: cơm lam, cá suối nướng, thịt nướng, măng nướng, măng luộc… ngay tại suối. Mỗi xâu cá, xâu thịt, bà con chỉ bán giá 10.000 đồng.
Du khách cùng trải nghiệm nướng cá với người dân bản địa |
Hiện nay, cả bản Nà Khương đã có 20/64 hộ tham gia làm du lịch bên bờ suối. Bình quân mỗi tuần, mỗi hộ cũng thu được từ 500.000 - 1.000.000 đồng từ cho thuê trang phục và chế biến món ăn. Chị Lò Thị Thắm (43 tuổi) tham gia làm du lịch cho biết: “Ngày Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, du khách về đông lắm, dân bản không có đủ lán cho khách ngồi. Mình bán đồ ăn cho khách và cho thuê trang phục cũng thu được 1 triệu đồng”.
Hệ thống guồng nước tưới cho cánh đồng rộng 13 ha của bản Nà Khương |
Xã Bản Bo cũng đã cử một đội 10 người gồm lãnh đạo bản, công an viên, đoàn thanh niên để thu vé và trông coi xe, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực guồng nước nơi khách đến tham quan, tránh xảy ra tình trạng trộm cắp, đánh nhau, buôn bán ma túy… Vé vào tham quan chỉ 10.000 đồng/lượt, vậy mà có ngày cao điểm, Ban Quản lý cũng thu được từ 5 - 7 triệu đồng tiền vé. Số tiền này tạm thời chuyển về cho xã, sau đó xã sẽ phân phối lại một phần cho bản để lập quỹ dự phòng.
Anh Lò Văn Sớt, Công an viên quản lý an ninh tại khu vực tham quan cho biết, để có được 25 guồng nước này, người dân bản Nà Khương rất vất vả vì năm nào guồng cũng bị mưa lũ cuốn trôi và bà con lại phải làm lại guồng mất rất nhiều thời gian, công sức và vật liệu. Vì vậy, số tiền thu được từ bán vé sẽ được xã chuyển lại một phần cho dân bản để chuẩn bị mua vật liệu làm guồng mới khi hệ thống guồng này bị cuốn trôi.
Bình quân mỗi tháng có từ 500 - 1.000 lượt du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng guồng nước xã Bản Bo |
Bí thư Chi bộ bản Lù Văn Phốm thông tin thêm, về lâu dài, xã Bản Bo đang quy hoạch lại một số khu vực để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại bản Nà Khương. Theo đó, một số hộ dân có nhà sàn trong bản sẽ được di chuyển ra vùng triền đồi thấp bên cạnh con suối Nậm Mu để phát triển loại hình du lịch lưu trú tại nhà (homestay). Toàn bộ lán tạm của bà con sẽ được di chuyển lên phía nương ngô để đảm bảo an toàn nếu xảy ra lũ ống đột ngột. Khu vực bãi đá sỏi ven suối chỉ để làm sân chơi và chụp ảnh của du khách.
(Theo langvietonline.vn)