Rừng ngập mặn trong Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau. Ảnh: An Hiếu – TTXVN |
Về quy hoạch sử dụng đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định, việc tiếp tục giữ nguyên hiện trạng diện tích giao khoán đất lâm nghiệp liên quan đến 213 hộ dân tại phân khu phục hồi sinh thái (đã được giao đất trước thời điểm thành lập Vườn), để xác định hợp đồng bảo vệ rừng, kết hợp với mặt nước nuôi thủy sản là phù hợp với Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty TNHH một thành viên nông - lâm nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Thông tư Liên tịch số 80/2003/TTLT-BNN-BTC ngày 03/09/2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp thì hộ nhận khoán chỉ được phép sử dụng không quá 200 m2 làm lán trại tạm để trông nom khu rừng trong thời gian nhận khoán. Do đó, về lâu dài, UBND tỉnh đề nghị Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tiếp tục nghiên cứu quy hoạch bố trí dân cư phù hợp với quy định về quản lý rừng và đất lâm nghiệp; đồng thời thực hiện rà soát, xây dựng quy hoạch Khu Công viên văn hóa Mũi Cà Mau (diện tích gần 160 ha) và các khu vực chồng lấn tại Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, Ban quản lý rừng phòng hộ Năm Căn và Khu Trung tâm hành chính xã Đất Mũi (diện tích khoảng 415 ha) theo hai phương án, đó là phương án được Chính phủ cho phép tách khỏi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và phương án tiếp tục thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là điểm cuối cùng của lãnh thổ Việt Nam, nơi du khách có thể ngắm nhìn mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở phía biển Tây. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN |
Về phát triển du lịch, tỉnh Cà Mau nghiên cứu, định hướng quy hoạch tương thích với dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. Song song đó, quy hoạch cơ sở hạ tầng (kể cả hạ tầng giao thông) cũng phải phù hợp với quy hoạch; thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh tập trung đánh giá các yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến thực hiện công tác quy hoạch. Cụ thể, đánh giá việc nuôi trồng, khai thác thủy sản tại khu vực bãi bồi; việc đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch; hoạt động của khách du lịch.
Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát và chịu trách nhiệm đối với kết quả rà soát, dự thảo Quy hoạch tổng thể và bảo tồn, phát triển bền vững Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Vườn có diện tích trên 41.860 ha, trong đó diện tích ven biển khoảng 26.600, còn lại là đất liền được chia thành ba phân khu gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ. Năm 2013, Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới trao bằng chứng nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới và thứ năm của Việt Nam.
Thời gian qua, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau chưa được khai thác, sử dụng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có, phát triển thiếu tính bền vững. Do vậy, UBND tỉnh Cà Mau đã chủ trương Quy hoạch tổng thể và bảo tồn, phát triển bền vững Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ngập nước, sở hữu hệ động thực vật phong phú mang đặc trưng của rừng ngập mặn.
Kim Há