Quy định mới về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Tuyên truyền và hướng dẫn người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại chợ . Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN
Tuyên truyền và hướng dẫn người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại chợ . Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Quy định mới về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ảnh 1Tuyên truyền và hướng dẫn người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại chợ . Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp; hoạt động hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Theo Nghị định, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau: Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.

Người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau: Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp; có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp. Theo đó, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.

Người đang hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp điều trị xong, ra viện trước ngày 1/7/2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ban hành trước ngày 1/1/2016.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020.

TTXVN

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm