Bảo hiểm xã hội tự nguyện – điểm tựa an sinh của người dân miền núi Thanh Hóa

Bảo hiểm xã hội tự nguyện – điểm tựa an sinh của người dân miền núi Thanh Hóa

Nếu như trước đây chỉ có cán bộ, công chức, viên chức, lao động làm việc có hợp đồng tại các đơn vị, doanh nghiệp mới được tham gia bảo hiểm xã hội và được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, nay người mua bán nhỏ lẻ, làm nghề nông, làm thuê hay bất cứ ai đều có cơ hội thụ hưởng hưu trí khi hết tuổi lao động nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chính sách này đã mở ra cho người lao động tự do trên địa bàn huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, cơ hội tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội dễ dàng nhất, tạo điểm tựa cho người dân khi hết tuổi lao động.

Quanh năm chỉ buôn bán nhỏ lẻ các mặt hàng phục vụ ăn sáng, giải khát và ở nhà làm nội trợ, cô Lê Thị Đoàn, khu phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh luôn cảm thấy thiệt thòi khi thấy nhiều người làm cán bộ, công chức Nhà nước tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau này về hưu có được lương hưu; còn với cô khi không lao động được nữa coi như không có thu nhập duy trì cuộc sống. Khi biết có chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cô và chồng cô đã tham gia.

Cô Lê Thị Đoàn cho biết: “Trước đây tôi nghĩ chỉ có người làm Nhà nước, làm doanh nghiệp mới được đóng bảo hiểm, được hưởng lương hưu. Nhưng qua tìm hiểu và được nhân viên bảo hiểm xã hội huyện giới thiệu, tư vấn, tôi thấy bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều lợi ích, nhất là khi về già có lương hưu như người từng công tác Nhà nước. Vì vậy, tôi quyết định tham gia, số tiền bỏ ra không phải là quá lớn; có thể coi đó như là một hình thức tiết kiệm cho tương lai của chính bản thân mình”.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, để được hưởng lương hưu có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí. Năm 2019, cô Lương Thị Lan, thôn Poọng, xã Giao Thiện đã đủ tuổi về hưu nhưng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của cô mới được 19 năm. Cô quyết định đóng thêm một lần cho thời gian còn thiếu để khi về già sẽ được hưởng các chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội.

“Đối với những người hết tuổi lao động, không gì an tâm hơn khi có sổ hưu trí trong tay. Do vậy, đây là một chính sách có ý nghĩa thiết thực, giúp những người chưa đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí như tôi có cơ hội được đóng tiếp để an tâm hơn khi về già…”, cô Lương Thị Lan chia sẻ.

Cũng như cô Lan, ông Hà Xuân Sinh, bản Năng Cát, xã Trí Nang trước đây từng làm cán bộ địa chính xã, khi hết tuổi lao động, ông chỉ mới tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được gần 18 năm, do đó ông đóng thêm 2 năm theo hình thức tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí như mọi người. Hiện nay, với mức lương hưu trên 2,4 triệu đồng mỗi tháng, đủ để ông trang trải cho cuộc sống lúc về già, khi ốm đau được hưởng các chính sách từ bảo hiểm y tế.

Ông Vũ Cao Cường, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết: Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm cho người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định, được trợ cấp một lần và chế độ tử tuất, được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ y tế khi nghỉ hưu và được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh như những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đặc biệt, bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp những người lao động không có hợp đồng lao động, không có việc làm ổn định đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lang Chánh có trên 500 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó có 14 người đã được hưởng lương hưu từ chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt, không chỉ những cán bộ về hưu đủ tuổi nhưng chưa đủ năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí, những năm gần đây rất nhiều người lao động tự do trên địa bàn huyện cũng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để khi về già có lương hưu. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bằng 10% mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Riêng đối tượng thuộc diện cận nghèo, mức hỗ trợ là 25% và hộ nghèo là 30% nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là hình thức bảo hiểm mới với nhiều ưu việt giúp những người lao động tự do, người dân khu vực nông thôn đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động...

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm