Nhiều loại nông sản của tỉnh Quảng Trị đã và đang vào vụ thu hoạch nhưng lại khó tiêu thụ, do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Sản phẩm cam K4 của xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đã được xếp hạng “3 sao” theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2020. Cam K4 được 14 hộ dân trồng ở vùng gò đồi xã Hải Phú có gần 25 ha đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 430 tấn, vụ chính thu hoạch từ tháng từ 9 - 10 hàng năm.
Vụ năm 2021 do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên thương lái ở tỉnh, thành khác không thể đến địa phương thu mua cam. Do đó, người trồng cam thu hoạch thì khó bán mà không thu hoạch thì cam sẽ bị hư hỏng do đã bắt đầu vào mùa mưa lũ.
Vụ này hộ ông Trần Ngọc Nhơn, thôn Long Hưng, xã Hải Phú có 2,5 ha cam cho sản lượng hơn 20 tấn. Vụ năm 2021 việc chăm sóc cây cam gặp nhiều khó khăn và cần nhiều chi phí do hạn hán. Khi đến vụ thu hoạch cam khó bán và giá thấp hơn những vụ trước. Ông Trần Ngọc Nhơn chia sẻ, giá bán cam tại vườn chỉ từ 18.000 - 20.000 đồng/kg dù khó bán nhưng vẫn phải thu hoạch, bởi mùa mưa lũ đã đến khiến cam bị vàng và thối rụng.
Trong nỗ lực kết nối để tiêu thụ cam K4, các hộ trồng cam ở xã Hải Phú chủ động giới thiệu sản phẩm thông qua nhiều kênh thông tin, mạng xã hội, chợ vừa và nhỏ. Chính quyền xã, huyện cũng đã vào cuộc hỗ trợ bà con tiêu thụ cam.
Theo ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, huyện đã đề nghị Sở Công Thương tỉnh hỗ trợ kết nối sản phẩm cam K4 của xã Hải Phú đến với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng để tiêu thụ.
Những ngày cuối tháng 9/2021, Siêu thị Co.opmart Đông Hà đã bắt đầu nhập và bán cam K4 để hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ cam. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hải Lăng cũng đã kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và nhân dân hỗ trợ, tiêu thụ cam K4 cho bà con nông dân.
Mặc dù là sản phẩm nổi tiếng nhưng gạo sạch Triệu Phong được sản xuất theo phương pháp hữu cơ ở các xã: Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Thuận của huyện Triệu Phong vẫn khó tiêu thụ khi thị trường bị thu hẹp hoặc không thuận lợi trong lưu thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Huyện Triệu Phong có 45 ha lúa được trồng theo phương pháp hữu cơ canh tách tự nhiên, hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các chất kích thích sinh trưởng, cho năng suất 52 tạ/ha.
Do khó tiêu thụ nên gạo sạch Triệu Phong tồn kho hàng chục tấn thu hoạch từ niên vụ Đông Xuân 2020 - 2021 và Hè Thu 2021. Liên đoàn Lao động huyện Triệu Phong đã kêu gọi và phát động toàn thể cán bộ, đoàn viên, người dân hỗ trợ và tiêu thụ sản phẩm này cho bà con nông dân.
Nhiều năm qua, cây sắn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, nhất ở vùng miền núi tỉnh Quảng Trị. Hiện nay tỉnh có khoảng trên 10.000 ha sắn; trong đó, huyện miền núi Hướng Hóa có gần 5.000 ha, diện tích còn lại phân bố ở các huyện: Cam Lộ, Đakrông, Triệu Phong. Khi vào đầu vụ thu hoạch, bà con nông dân cũng lo lắng khi thương lái không thể đến địa phương để thu mua sắn do dịch bệnh COVID-19.
Trước tình hình này, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đóng tại huyện miền núi Hướng Hóa đã triển khai và sẽ thu mua hết sản lượng sắn của bà con nông dân Hướng Hóa với sản lượng khoảng 85.000 tấn. Trung bình mỗi ngày nhà máy thu mua, chế biến từ 800 - 1.200 tấn sắn với giá từ 2.600 - 2.800 đồng/kg sắn củ tươi. Ông Hồ Văn Nuông, xã Thuận, huyện miền núi Hướng Hóa cho biết, nhà máy tổ chức thu mua sắn kịp thời với giá ổn định đã giúp bà con nông dân tiêu thụ được sắn và có thu nhập.
Ngoài ra, nông dân ở Quảng Trị còn hàng trăm tấn chuối, cà phê… đang lưu kho để chờ thương lái đến mua hoặc đợi giá lên mới xuất bán. Ngành nông nghiệp Quảng Trị đang tập trung kết nối hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Theo ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đơn vị đang tập trung hỗ trợ các đơn vị, hộ sản xuất liên kết với các doanh nghiệp, bưu chính để đưa hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử. Đồng thời, giới thiệu quảng bá, tìm hiểu thị hiếu khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương.
Nguyên Lý