Quảng Trị đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao

Quảng Trị đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao
Mô hình trồng dưa lưới và dưa hấu trong nhà kính của anh Lê Văn Vượng, Hợp tác xã Trường Sơn, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Thanh Thủy -TTXVN
Mô hình trồng dưa lưới và dưa hấu trong nhà kính của anh Lê Văn Vượng, Hợp tác xã Trường Sơn, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Thanh Thủy -TTXVN

Sản xuất nông sản sạch trái vụ 

Đến thăm mô hình trồng dưa lưới và dưa hấu trong nhà kính của anh Lê Văn Vượng, Hợp tác xã Trường Sơn, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, chúng tôi mới thấy được sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao mang lại. Trong căn nhà kính rộng hơn 2.000m2, những hàng dưa xanh mướt cho trái nặng trĩu đã bước đầu mang lại hiệu quả. Số dưa này chỉ trong vòng khoảng nửa tháng nữa sẽ đến kỳ thu hoạch, hứa hẹn sẽ mang lại một vụ mùa bội thu. Đây là điều “không tưởng” đối với người dân nơi đây trong điều kiện thời tiết mưa ẩm của mùa thu. 

Là một giống cây mới kén đất trồng, thế nhưng loại dưa lưới được anh Vượng trồng thành công và cho hiệu quả cao khi trồng bằng phương pháp này. Được triển khai từ tháng 8 với tổng kinh phí 968 triệu đồng; trong đó, huyện Vĩnh Linh hỗ trợ 300 triệu đồng, anh Vượng mạnh dạn trồng 4.800 gốc dưa lưới và dưa hấu. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao trên 70%, tổng sản lượng ước đạt từ 4-4,5 tấn. Hiện nay theo giá thị trường 1 kg dưa hấu có giá 10.000 đồng, 1kg dưa lưới có giá 40.000 đồng, bán ra sẽ thu lại từ 150-160 triệu đồng. Được trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới tiêu tự động nên khi thu hoạch xong, các cây mới sẽ được trồng thay thế cho cây cũ. Chính vì vậy, anh Vượng có thể canh tác quanh năm trong mọi điều kiện thời tiết. 

Chia sẻ với chúng tôi anh Vượng cho biết, khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kĩ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất, kỹ thuật bón phân, nước tưới... Đặc biệt, do cây được trồng trong nhà kính nên hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch… Mặc dù trồng lứa đầu tiên nhưng tỷ lệ đậu quả rất lớn, cây phát triển nhanh, cho trái đồng đều. Riêng cây dưa hấu mùa đông không trồng được với môi trường bên ngoài thì lại phát triển tốt trong nhà kính và cho sản lượng cao… 

Tại huyện Vĩnh Linh, hiện đang có 4 mô hình nhà màng trồng rau, củ, quả sạch bao gồm: 3 mô hình thổ canh và 1 mô hình thủy canh tại 2 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Tú với tổng diện tích 5.500 m2. Tổng kinh phí đầu tư các mô hình trên 4,6 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 900 triệu đồng. Dự kiến vào tháng 12 sẽ triển khai thêm 2 mô hình mới. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, UBND huyện Vĩnh Linh hiện đang tiến hành xây dựng 2 lô quầy tại chợ Hồ Xá để bày bán và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trồng tại các mô hình ứng dụng công nghệ cao và các sản phẩm nông sản sạch trên địa bàn tới người tiêu thụ. 

Chị Lê Thị Thúy Kiều, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho biết, bình thường nếu áp dụng phương pháp canh tác truyền thống ngoài trời rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và sâu bệnh rất nhiều. Tuy nhiên, ngược lại sản xuất trong nhà kính hạn chế được tất cả các nhược điểm trên; đồng thời nhà vườn có thể chủ động được độ ẩm trong đất hạn chế được các loại dịch bệnh đối với cây trồng nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua triển khai các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy, canh tác trong nhà kính tăng năng suất so với phương pháp canh tác truyền thống từ 30-50%. Định hướng của huyện trong thời gian tới là tập trung phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch để người dân có thể sản xuất và canh tác trái vụ; từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường. 

Lấy sức khỏe của người tiêu dùng làm mục đích sản xuất 
 
Canh tác theo phương pháp nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao hướng người nông dân khi trồng trọt phải áp dụng theo một quy trình chuẩn khép kín. Ảnh: Thanh Thủy
Canh tác theo phương pháp nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao hướng người nông dân khi trồng trọt phải áp dụng theo một quy trình chuẩn khép kín. Ảnh: Thanh Thủy

Canh tác theo phương pháp nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao hướng người nông dân khi trồng trọt phải áp dụng theo một quy trình chuẩn khép kín, đặc biệt không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại trong sản xuất mà chỉ sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh. Bên cạnh đó, người sản xuất luôn lấy phương châm ưu tiên sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu là hướng đi mới mang tính nhân văn đáp ứng xu thế, tâm lý và thị hiếu mua hàng của người dân hiện nay. Để sản phẩm nông sản đạt tiêu chí sạch, các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp phải đạt chứng nhận về điều kiện đất, hệ thống nước tưới, các điều kiện nhân lực, giống và kĩ thuật chăm sóc đảm bảo... 

Năm 2017, là một năm đánh dấu sự thành công từ việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mở màn với mô hình trồng thủy canh rau xà lách và dưa lưới của Hợp tác xã Nguyên Khang ở huyện Hải Lăng với diện tích 2.000m2 trong nhà kính. Sau đó, nhiều địa phương bắt đầu triển khai và mang lại kết quả tốt tiêu biểu như: mô hình trồng măng tây của Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị ở xã Vĩnh Tú với 12 ha được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị xác nhận vùng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm; mô hình trồng dưa lưới, dưa hấu và rau tại xã Vĩnh Tú và Vĩnh Trung của huyện Vĩnh Linh… 

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị cũng đang hợp tác với Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản để triển khai Dự án hỗ trợ tỉnh Quảng Trị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất; dự kiến cuối tháng 10 sẽ triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống nhà màng sản xuất dưa lưới với quy mô 500m2 và tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo. Với những kết quả đã đạt được, từ các mô hình đã xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản sạch như: “Gạo hữu cơ Quảng Trị”, “Gạo sạch Triệu Phong”, dưa lưới Nguyên Khang… bước đầu được thị trường chấp nhận được tiêu thụ vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. 

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, các địa phương cùng với ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã và đang hợp tác xây dựng thí điểm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bước đầu các mô hình đã mang lại kết quả tích cực được người tiêu dùng hoan nghênh đón nhận. Hiện nay, nhiều sản phẩm đã có mặt trên hệ thống chuỗi siêu thị để tiêu thụ. Dần dần, chúng tôi cũng hướng đến mở một trung tâm giới thiệu các sản phẩm nông sản hữu cơ của tỉnh Quảng Trị; dự kiến sẽ khai trương vào tháng 11 tới. Đây hứa hẹn sẽ là một địa điểm có thể giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ và nông sản công nghệ cao của tỉnh Quảng Trị đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh… . 

Thanh Thủy 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm