Quảng Trị dành trên 368 tỷ đồng thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia

Các thầy, cô giáo Trường THCS Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) mang sách đến từng nhà, vân động học sinh đến trường. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN
Các thầy, cô giáo Trường THCS Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) mang sách đến từng nhà, vân động học sinh đến trường. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Năm 2024, tỉnh Quảng Trị dành trên 368 tỷ đồng để thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững.

Quảng Trị dành trên 368 tỷ đồng thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Các thầy, cô giáo Trường THCS Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) mang sách đến từng nhà, vân động học sinh đến trường. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh dành trên 97,8 tỷ đồng để hỗ trợ hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2024. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các đề án thuộc chương trình này. Đến cuối tháng 12/2023, tỉnh có 69/101 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 68,3%) và một huyện đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (huyện Cam Lộ).

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng) và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Cam Lộ); 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Quảng Trị dành trên 178,5 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, tỉnh bố trí hơn 36,2 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; gần 21 tỷ đồng quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; hơn 73 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; gần 24,5 tỷ đồng phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trên 21 tỷ đồng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Số kinh phí còn lại được tỉnh dành cho truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện các chương trình.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Quảng Trị có hơn 192.000 người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là người Pa Cô (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tà Ôi), Vân Kiều (nhóm địa phương thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) với gần 95.000 người, phần lớn tập trung ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Số còn lại sinh sống ở một số xã vùng miền núi tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi của tỉnh hiện là 26,1%.

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Quảng Trị bố trí trên 92,2 tỷ đồng để thực hiện hai dự án gồm: Hơn 70 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; 22 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm